Hôm nay (10/10) tại Australia diễn ra cuộc hội đàm 2+2 giữa Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng Australia với hai người đồng cấp Nhật Bản. Một trong những nội dung được quan tâm đó là nỗ lực của hai nước nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các nước trụ cột trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Sau khi nhóm Tứ giác kim cương, cơ chế bao gồm 4 quốc gia là Australia, Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ được hồi sinh vào 2017, Nhật Bản và Australia đang được cho là có nhiều nỗ lực nhằm tăng cường sự hợp tác và kết nối giữa các nước thành viên. Tại cuộc hội đàm 2+2 giữa Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng giữa Australia và Nhật Bản vào ngày hôm nay (10/10), quan chức cấp cao hai nước đều nhấn mạnh tầm quan trọng của Tứ giác kim cương và sự tham gia của Australia vào cuộc tập trận chung thường niên Malabar giữa Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc Đối thoại, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Christopher Pyne cho biết “nếu được mời”, Australia sẽ tham gia cuộc trập trung Malabar. Đồng thời, Bộ trưởng Pyne cũng khẳng định, Australia cần phải nỗ lực để “ba thành viên còn lại cảm thấy sự tham gia của nước này là thật sự và lâu dài”.

Ấn Độ đã 2 lần từ chối đề nghị tham gia cuộc tập trận Malabar của Australia. Vì vậy, đề lời đề nghị lần này trở nên hấp dẫn hơn, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya cho biết, Ấn Độ có thể được mời tham gia nhiều hoạt động đào tạo và tập trận đang diễn ra giữa Nhật Bản, Australia, Mỹ và biến nó thành hoạt động chung của nhóm Tứ giác kim cương.

Bên cạnh hợp tác quân sự, Australia và Nhật Bản cũng đang thúc đẩy các bên tích cực hơn trong các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở ở Ấn Độ- Thái Bình Dương. Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne cho biết, hiện Australia, Nhật Bản và Mỹ đang hoàn tất các bước cuối cùng để có thể giải ngân tiền tài trợ cho các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, cả Australia và Nhật Bản đều bày tỏ sự lo ngại trước căng thẳng leo thang và cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne cho biết, sau các cuộc thảo luận với các quan chức Mỹ gần đây, bà nhận thấy rằng, cách tốt nhất để giải quyết căng thẳng hiện nay là thông qua các cơ chế sẵn có của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cũng nhất trí rằng, điều tốt nhất là các quốc gia cùng tuân thủ luật pháp quốc tế và “không có bất kỳ một quốc gia nào mong muốn có một cuộc chiến tranh lạnh mới”./.