Hôm nay (25/8), chính phủ Australia thông báo sẽ thiết lập một khuôn khổ nhằm ngăn chặn các tên miền Internet có chứa các yếu tố khủng bố trong thời gian xảy ra các sự kiện khủng hoảng, đồng thời cân nhắc các biện pháp pháp lý nhằm buộc các nền tảng kỹ thuật số phải nâng độ an toàn cho các dịch vụ của mình.

khung_bo_trong_the_gioi_mang_kmec.jpg
Hình ảnh minh họa về khủng bố trong thế giới mạng. Ảnh: PCDN.

Phát biểu trong một cuộc họp báo, Bộ trưởng An toàn Kỹ thuật số Australia Paul Fletcher cho biết: “Sau các cuộc tấn công ở Christchurch, New Zealand, lực lượng đặc biệt mà chính phủ thành lập đã khuyến nghị rằng chúng tôi cần phải có hành động mạnh mẽ hơn và hôm nay, tôi có thể thông báo rằng trong những tuần tới chúng tôi sẽ ban hành một hướng dẫn chính thức theo đạo luật viễn thông, để có thể cho phép và hỗ trợ vấn đề pháp lý cần thiết đối với các nhà cung cấp dịch vụ Internet ở Australia, đồng thời có thể giúp ngăn chặn các phần tử cực đoan khai thác nền tảng kỹ thuật số thực hiện tấn công khủng bố”.

Theo hướng dẫn mới này, Bộ trưởng An toàn Kỹ thuật số là người sẽ quyết định từng trường hợp cụ thể nào cần bị cấm và sẽ phối hợp với các công ty trong lĩnh vực này để đưa ra các giải pháp nhằm nhanh chóng chặn khả năng truy cập trong trường hợp xảy ra tấn công. Trung tâm Điều phối khủng hoảng 24/7 sẽ được thành lập để giám sát thế giới mạng nhằm phát hiện các yếu tố khủng bố hoặc bạo lực cực đoan. Tuy nhiên, Chính phủ Australia không nêu rõ lựa chọn pháp lý nào sẽ được sử dụng nếu các nền tảng kỹ thuật số không cải thiện độ an toàn.

Từ nay đến cuối tháng 9, các “gã khổng lồ” công nghệ như Facebook, YouTube, Amazon, Microsoft và Twitter, cùng với các nhà mạng như Telstra, Vodafone, TPG và Optus sẽ phải cung cấp chi tiết cho chính phủ các khuyến cáo của mình. Các công ty trên đều là thành viên của “Lực lượng phản ứng nhanh chống khủng bố và các yếu tố bạo lực cực đoan trên mạng”, lực lượng đã khuyến cáo thành lập một khuôn khổ rõ ràng. 

Hiện chưa rõ động thái này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc truyền thông đưa tin về các vụ khủng bố hoặc các cuộc bạo động khác. Hồi đầu tháng này, hãng tin Sky News của New Zealand đã bị Cơ quan tiêu chuẩn truyền thông nước này phạt 4.000 đô la New Zealand vì cho đăng tải nhiều đoạn băng video dù đã được chỉnh sửa từ đoạn băng quay trực tiếp dài 17 phút của kẻ tấn công ở Christchurch trong thời gian xảy ra vụ việc.

Cơ quan trên lập luận rằng khi được đưa lên mặt báo, các đoạn băng có chứa nội dung bạo lực có thể gây nguy hiểm hoặc lo lắng, đau buồn nơi người xem, hoặc có thể vô tình tiếp tay cho thông điệp của thủ phạm.

Australia và New Zealand đã tăng cường kiểm duyệt các trang mạng và các công ty truyền thông xã hội kể từ sau vụ tấn công đẫm máu tại hai đền thờ ở Christchurch làm 51 người thiệt mạng. Trong vụ tấn công này, chính thủ phạm đã phát trực tiếp vụ việc qua mạng xã hội Facebook./.