Theo Reuters, Nhật Bản khẳng định, họ sẽ chỉ gia nhập AIIB trong trường hợp mọi điều kiện mà họ đưa ra được thỏa mãn. 

trung_quoc_olvn.jpgChủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) và các quan khách tham dự lễ khai trương Ngân hàng Phát triển Hạ tầng châu Á (AIIB) (Ảnh Reuters)

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Australia Joe Hockey cho biết, Australia rất trông đợi vào những điều tốt đẹp của AIIB và tờ Sydney Morning Heraldđưa tin Canberra nhiều khả năng sẽ đưa ra quyết định sẽ gia nhập AIIB ngay sau cuộc họp Nội các ngày 23/3 tới. 

Trước đó, phía Mỹ đã bày tỏ lo ngại rằng AIIB là một âm mưu ngoại giao của Trung Quốc và lên tiếng nghi ngờ về việc liệu AIIB có đủ khả năng bảo đảm các tiêu chuẩn về điều hành tài chính hay không. 

Tuy nhiên, sau khi Anh tuyên bố sẽ gia nhập AIIB, nhiều quốc gia trong EU cũng đã quyết định theo bước Anh. 

Không chỉ có Australia và Nhật Bản, 2 đồng minh quan trọng của Mỹ tại châu Á, cả Hàn Quốc- một đồng minh khác, nhiều khả năng cũng sẽ gia nhập AIIB. 

Với việc Nhật Bản, nền kinh tế thứ 3 trên thế giới sau Trung Quốc và cũng là một đối thủ cạnh tranh hàng đầu của Trung Quốc tại châu Á về kinh tế và nhiều lĩnh vực khác, gia nhập AIIB, AIIB hoàn toàn có thể trở thành một đối trọng với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), một tổ chức do Mỹ và Nhật Bản nắm vai trò chủ chốt./.