Bộ trưởng Môi trường Australia Susan Ley khẳng định, việc UNESCO đưa rạn san hô Great Barrier vào bản dự thảo danh sách các di sản thế giới đang bị đe dọa khiến cho các quan chức Australia “ngạc nhiên” vì đã đi ngược lại với những “đảm bảo trước đó của UNESCO về việc rạn san hô Great Barrier sẽ không phải đối mặt với khuyến nghị này trước cuộc họp của Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO do Trung Quốc tổ chức vào tháng 7 tới”.
Bộ trưởng Susan Ley đồng thời bày tỏ “lo ngại về sự sai lệch với quy trình thông thường trong việc đánh giá tình trạng bảo tồn của các di sản thế giới”. Bộ trưởng Susan Ley cho rằng, bản dự thảo này được đưa ra dựa trên sự “đánh giá không đầy đủ” về chiến lược bảo tồn rạn san hô này.
Truyền thông Australia nghi ngờ vấn đề có thể đang bị chính trị hóa. Báo Sydney Morning Herald cho biết, một số quan chức cấp cao của Australia cho rằng có thể Trung Quốc đứng đằng sau vụ việc này khi Ủy ban Di sản thế giới do một quan chức cấp cao của Trung Quốc đứng đầu. Đồng thời 3 quan chức khác của Trung Quốc cũng là người đảm đương các vị trí quan trọng tại UNESCO.
Rạn san hô Great Barrier nằm ven biển bang Queensland của Australia là rạn san hô lớn nhất thế giới, nằm trải rộng trên một diện tích hơn 340.000km2. Đây là cấu trúc đơn lớn nhất thế giới được tạo ra bởi các sinh vật sống và có thể được nhìn thấy từ ngoài vũ trụ. Rạn san hô Great Barrier là môi trường sống của rất nhiều loài động thực vật và được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 1981. Tuy nhiên, các vấn đề về môi trường như dòng chảy, biến đổi khí hậu và hiện tượng tẩy trắng của san hô tại đây đang là những mối đe dọa lớn nhất đối với quần thể này.
Truyền thông Australia cho biết, chính quyền liên bang Australia đã cam kết chi 100 triệu AUD cho các dự án bảo tồn rạn san hô Great Barrier. Trong đó chi 2 triệu AUD cho việc thử lắp đặt các quạt ở dưới nước trong một khu vực nhỏ để làm mát nước. Đồng thời, Australia cũng đang tìm cách lắp các tấm chắn ánh sáng mặt trời để làm giảm bức xạ mặt trời, cũng như giúp san hô có thể sinh sản./.