Tuyên bố này được đưa ra nhằm giải thích rõ hơn tuyên bố có thể gây hiểu lầm mà Mỹ và Australia đưa ra ngày hôm qua (4/8). Điều đó cho thấy, Australia đang vô cùng cẩn trọng và tính toán kỹ lượng trước kế hoạch triển khai tên lửa của Mỹ ở khu vực.

image_dpxw.jpg
Bộ trưởng Quốc phòng Australia Linda Reynold. Ảnh: News.com.au.

Phát biểu trên Đài phát thanh quốc gia ABC vào sáng nay (5/8), Bộ trưởng Quốc phòng Australia Linda Reynold khẳng định, trong cuộc gặp thường niên giữa Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng của Australia và Mỹ diễn ra vào ngày hôm qua (4/8), hai bên đã thảo luận về việc Mỹ triển khai tên lửa tại thành phố Darwin ở phía Bắc Australia, song phía Mỹ không chính thức đưa ra đề nghị này đối với Australia. Bộ trưởng Linda Reynold nói: “Tôi đã thảo luận việc này với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ song ông đã khẳng định về việc không yêu cầu Australia và cũng không có kế hoạch đề nghị Australia cho phép Mỹ triển khai hệ thống tên lửa tại phía Bắc nước này”.

Tuyên bố đưa ra trong bối cảnh, hôm 4/8, các Bộ trưởng của Australia và Mỹ đều không loại trừ khả năng Mỹ sẽ triển khai hệ thống tên lửa có tầm bắn từ 500 km đến 5.500 km tại thành phố Darwin sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký với Liên Xô năm 1987.

Tuy nhiên, Australia đã ngay lập tức giải thích rõ hơn về tuyên bố này bằng việc khẳng định Mỹ không yêu cầu Australia làm vậy. Phản ứng của Australia cho thấy rõ nước này đang vô cùng thận trọng và muốn làm rõ việc nước này không tham gia vào kế hoạch đầy tham vọng của Mỹ.

Rõ ràng, gia tăng sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Australia càng nâng cao khả năng đảm bảo an ninh cho nước này, đặc biệt trong bối cảnh khu vực có nhiều diễn biến phức tạp. Song việc triển khai tên lửa tầm trung của Mỹ ở phía Bắc Australia lại khiến nước này cân nhắc bởi kế hoạch này sẽ đặt họ vào thế phải lựa chọn giữa đối tác chiến lược quan trọng hàng đầu là Mỹ với đối tác thương mại lớn nhất là Trung Quốc. Với khoảng cách 5.000 km tới Thượng Hải và khoảng 3.000 km tới các cơ sở quân sự mà Trung Quốc thiết lập trái phép tại Biển Đông, hệ thống tên lửa nếu được đặt tại thành phố Darwin sẽ khiến Trung Quốc tức giận và không loại trừ việc kéo theo các biện pháp trả đũa.

Mối quan hệ kinh tế chặt chẽ giữa Australia và Trung Quốc buộc Australia không thể không để ý đến thái độ của Trung Quốc. Mặc dù Mỹ là đồng minh lâu năm nhưng do Trung Quốc là đối tác kinh tế lớn nhất nên những năm gần đây, Australia luôn phải cân bằng trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc để làm sao vừa duy trì được mối quan hệ truyền thống, vừa không làm ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế. Đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế Australia đang phát triển ì ạch thì bất kỳ sự trả đũa nào nếu có của Trung Quốc cũng sẽ càng khiến tình hình thêm khó khăn. Thực trạng này buộc Australia phải cân nhắc kỹ lưỡng không chỉ với kế hoạch Mỹ bố trí tên lửa tại Darwin mà bất kỳ kế hoạch nào có thể khiến Trung Quốc không hài lòng.

Sách Trắng Ngoại giao ban hành năm 2017 của Australia nêu rõ sự lo ngại của nước này về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại Đông Nam Á, cửa ngõ vào nước này cũng như tại khu vực Thái Bình Dương, là láng giềng thân thiết của Australia. Tuy nhiên, Trung Quốc là đối tác kinh tế lớn nhất của Australia nên nước này rất thận trọng trong việc gia tăng ảnh hưởng của mình tại các khu vực này để vừa giảm sự phụ thuộc của các nước vào Trung Quốc nhưng cũng giữ “thể diện” cho đối tác kinh tế lớn nhất này.

Phản ứng của Australia không phải là bất ngờ. Trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, Australia cũng tránh không đứng về phía bên nào. Và sự kiện này một lần nữa cho thấy, nhân tố Trung Quốc đang ngày càng chi phối chính sách đối ngoại của Australia./.