Đó là thông điệp mà Đại sứ Armenia tại Việt Nam Vahram Kazhoyan đưa ra trong buổi họp báo được tổ chức ở Hà Nội hôm 13/10.

Tại sự kiện này, ông Kazhoyan khẳng định nước ông mong mỏi các bên liên quan trực tiếp hãy ngồi vào bàn đàm phán nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình lâu dài và chấp nhận được với tất cả các bên trong xung đột Nagorno-Karabakh.

Đại sứ Kazhoyan cho rằng giải pháp vũ lực quân sự không phải là câu trả lời cho vấn đề Nagorno-Karabakh và đàm phán (dưới sự bảo trợ của nhóm OSCE Minsk) mới là giải pháp khả dĩ duy nhất cho vấn đề này.

Ông Kazhoyan phân tích rằng “Cộng hòa Artsakh” tự phong (còn gọi là “Cộng hòa Nagorno-Karabakh”) tuy chỉ có khoảng 150.000 người, kinh tế nhỏ bé hơn rất nhiều so với Azerbaijan đông dân hơn nhiều lần nhưng lực lượng vũ trang của “quốc gia” tự xưng này lại bao gồm những chiến binh thực thụ được tôi luyện trong trận mạc ở vùng đất giàu truyền thống quân sự, lại sẵn sàng chiến đấu với tinh thần một mất một còn trên mảnh đất họ sinh sống nên họ sẽ không dễ dàng buông súng đầu hàng. Trong bối cảnh đó, Đại sứ Kazhoyan nhận định giải pháp quân sự từ phía Azerbaijan sẽ không mang lại tiến triển nào cho chính họ và khu vực. Ông nhấn mạnh, chiến tranh không phải trò đùa.

Đại sứ Armenia Kazhoyan cũng tiết lộ, nếu phía Armenia và “Cộng hòa Artsakh” bị thúc ép quá trên chiến trường, thì Cộng hòa Armenia có thể sẽ buộc phải công nhận nền độc lập của “Cộng hòa Artsakh”, đồng thời cũng sẵn sàng kêu gọi cộng đồng quốc tế công nhận “quốc gia” tự phong này.

Hiện tại Cộng hòa Armenia vẫn chưa chính thức công nhận “Cộng hòa Artsakh” dù rằng Armenia tích cực hậu thuẫn cho “quốc gia” tự xưng này. “Cộng hòa Artsakh” cũng không nhận được sự công nhận từ cộng đồng quốc tế kể từ khi Nagorno-Karabakh (nơi có đông người tộc Armenia sinh sống) ly khai khỏi Azerbaijan vào năm 1991, thời điểm Liên Xô bắt đầu tan rã./.