Sau hơn chục ngày giao chiến ác liệt (vào cuối tháng 9 và đầu tháng 10/2020), hai bên Azerbaijan và Armenia đạt được thỏa thuận ngừng bắn dưới sự trung gian hòa giải và ảnh hưởng của Nga. Thỏa thuận ngừng bắn giữa Azerbaijan và Armenia có hiệu lực từ 12h ngày 10/10 giờ địa phương (tức 15h ngày 10/10 giờ Việt Nam), nhằm phục vụ  mục đích nhân đạo là tạo điều kiện cho hai bên trao đổi tù binh và thi thể những người thiệt mạng trong xung đột ở khu vực Nagorno-Karabakh. Trước đó, Ngoại trưởng Azerbaijan và Armenia đã được mời tới Moscow (Nga) vào ngày 9/10.

Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau thời điểm 12h ngày 10/10 nói trên, hai bên đã cáo buộc nhau vi phạm lệnh này bằng các cuộc pháo kích vào khu vực kiểm soát của nhau.

Sự vi phạm trên nếu thực sự có thì cũng là điều dễ hiểu bởi hai bên có quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau trong vấn đề Nagorno-Karabakh và 7 vùng lân cận. Hiện rất khó hình dung hai bên sẽ ngồi vào bàn đàm phán như thế nào.

Phía Azerbaijan muốn thay đổi một hiện trạng đã tồn tại khoảng 3 thập kỷ qua, đó là vùng Nagorno-Karabakh của họ vẫn nằm dưới sự kiểm soát của “Cộng hòa Artsakh” tự xưng (thuộc tộc người Armenia và được Cộng hòa Armenia hậu thuẫn). Nếu đàm phán thì Azerbaijan muốn đàm phán trực tiếp với Armenia để giải quyết vấn đề này. Trong khi đó, Armenia có xu hướng duy trì hiện trạng và muốn việc đàm phán diễn ra giữa Azerbaijan và “Cộng hòa Artsakh” (không được quốc tế công nhận).

Trước thực tế đàm phán không tiến triển kể từ khi hai bên  ký lệnh ngừng bắn vào năm 1994 đến nay, Azerbaijan đã xúc tiến cho phương án dùng vũ lực quân sự để thu hồi các lãnh thổ được quốc tế công nhận thuộc về họ.

Trong khoảng 20 năm qua, Azerbaijan đã có những sự chuẩn bị như gia tăng tinh thần dân tộc chủ nghĩa trong vấn đề lãnh thổ, tăng cường xây dựng quân đội, đầu tư mạnh cho vũ khí khí tài (đặc biệt là các trang thiết bị mua từ Nga, Israel, và Thổ Nhĩ Kỳ), đẩy mạnh tuyên truyền trên các diễn đàn quốc tế, tác động lên công luận quốc tế về vấn đề Nagorno-Karabakh theo hướng có lợi cho họ.

Azerbaijan có một thuận lợi lớn là sự hậu thuẫn vô bờ bến từ Thổ Nhĩ Kỳ - đồng minh lớn nhất của họ. Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan xem bản thân như “một dân tộc, hai nhà nước”. Thổ Nhĩ Kỳ đã sớm công nhận và bảo trợ cho Azerbaijan ngay sau khi nước này tách ra khỏi Liên Xô vào năm 1991. Thổ Nhĩ Kỳ cũng lớn tiếng ủng hộ Azerbaijan trong cuộc chiến tranh chớp nhoáng ở Nagorno-Karabakh vào tháng 4/2016. Trong năm 2020 này, khi đụng độ dữ dội giữa Azerbaijan và phe Armenia nổ ra, Thổ Nhĩ Kỳ lại nhiệt tình công khai thể hiện sự ủng hộ của mình cho Azerbaijan, đồng tình với việc Azerbaijan dùng giải pháp quân sự để thay đổi hiện trạng tại Nagorno-Karabakh và 7 vùng kề cận.

Có những báo cáo nhất định cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ còn trực tiếp hỗ trợ Azerbaijan trên chiến trường – điều này thì cả Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan đều bác bỏ.

Trước một sự ủng hộ tích cực như vậy từ một nước lớn như Thổ Nhĩ Kỳ, hẳn nhiên Azerbaijan sẽ rất tự tin với những gì họ đang làm.

Trong một cuộc họp báo tổ chức ở Hà Nội vào ngày 1/10 và một hội nghị bàn tròn cũng tại Hà Nội vào ngày 8/10 (với sự tham dự của một số đại sứ nước ngoài), Đại sứ Azerbaijan tại Việt Nam Anar Imanov đều khẳng định rõ rằng Azerbaijan dù muốn nhưng không còn mặn mà với đàm phán nữa, thay vào đó sẽ sẵn sàng dùng con đường vũ lực để “giải phóng” các lãnh thổ bị chiếm đóng của họ. Cũng tại hội nghị ngày 8/10 này, Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Việt Nam đã phát biểu bày tỏ thái độ ủng hộ không úp mở đối với các quan điểm đó của Azerbaijan.

Còn hôm 9/10, trong cuộc trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình Anh Sky News (được đăng tải lại trên website của thông tấn xã nhà nước Azerbaijan), Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã nói rằng phía Azerbaijan muốn đạt được ngay giải pháp chính trị cho Nagorno-Karabakh chứ không phải chờ thêm 30 năm nữa. Ông muốn người tộc Azerbaijan phải được trở lại định cư ở vùng Nagorno-Karabakh.

Khi phóng viên Sky News hỏi liệu Azerbaijan có công nhận nền độc lập của Nagorno-Karabakh không nếu Azerbaijan được phép có một tỷ lệ đáng kể dân cư người Azerbaijan ở đây, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã khẳng định chắc nịch rằng “Azerbaijan sẽ không bao giờ công nhận sự độc lập của Nagorno-Karabakh vì đó là mảnh đất cổ xưa của chúng tôi”.

Trong bối cảnh đó, khả năng duy trì được lệnh ngừng bắn tại Nagorno-Karabakh và các vùng lân cận xung quanh sẽ trở nên mong manh và tương lai đàm phán giữa Azerbaijan và Armenia sẽ trở nên mịt mù dù cường quốc Nga có tích cực làm trung gian và dùng ảnh hưởng của mình để gây sức ép với cả hai bên./.