Hội nghị Cấp cao Diễn đàn kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 21 đã bế mạc chiều 8/10 với tuyên bố chung cam kết thực hiện chính sách kinh tế vĩ mô một cách có trách nhiệm.Trong tuyên bố chung dài 23 trang, các nhà lãnh đạo APEC nhận định: "Tăng trưởng toàn cầu là rất yếu, các nguy cơ (khủng hoảng) vẫn còn rình rập, thương mại quốc tế đang suy giảm, và viễn cảnh kinh tế cho thấy tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại và thiếu cân bằng hơn dự đoán". 

apec_copy.jpg
Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị APEC (Ảnh DPA)

Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng thống Indonesia Suslo Bambang Yodhoyono cho biết, các lĩnh vực công và tư nhân cần hợp tác chặt chẽ khi mà kinh tế thế giới đang trong quá trình phục hồi. 

Tổng thống Indonesia khẳng định: “Hợp tác chặt chẽ với nhau sẽ giúp chúng ta cùng phát triển, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chưa có sự phục hồi đầy đủ. Chúng tôi cam kết sẽ thúc đẩy kinh tế toàn cầu đạt được tăng trưởng mạnh mẽ, cân bằng, bền vững và toàn diện”. 

Tổng thống Indonesia tin tưởng rằng tất các nền kinh tế thành viên APEC đều được hưởng lợi từ quá trình hội nhập và tăng cường hợp tác đa phương. Ông Yodhoyono cho rằng, chiếm hơn 40% dân số thế giới, hơn một nửa GDP toàn cầu và 44% thương mại toàn cầu, các nền kinh tế thành viên APEC cần tiếp tục duy trì động lực thúc đẩy kinh tế toàn cầu.

Tại các phiên thảo luận, các nhà lãnh đạo APEC đều cho rằng, trong bối cảnh sự phục hồi của nền kinh tế thế giới còn chậm, các nền kinh tế thành viên APEC cần tăng cường hợp tác và hội nhập hơn nữa. 

Đề cập tình hình kinh tế thế giới hiện nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng, về tổng thể, đà tăng trưởng của kinh tế thế giới tương đối vững chắc, nhưng vẫn còn một số thách thức và những nhân tố bất ổn đe dọa sự phục hồi tăng trưởng. Ông thúc giục khu vực châu Á-Thái Bình Dương nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng và đóng vai trò là động lực của sự phục hồi kinh tế thế giới. 

Chủ tịch Trung Quốc đưa ra đề xuất 3 điểm: trước tiên, các nền kinh tế thành viên APEC cần tăng cường phối hợp các chính sách kinh tế vĩ mô và thúc đẩy phát triển khu vực. Thứ hai, các nền kinh tế thành viên cần đẩy mạnh tái cấu trúc kinh tế nhằm tạo thêm động lực cho phát triển bền vững. 

Về thỏa thuận tự do thương mại và hệ thống phát triển thương mại đa phương, Chủ tịch Trung Quốc kêu gọi các nền kinh tế thành viên tăng cường hội nhập kinh tế khu vực, cam kết phản đối chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch. 

Thủ tướng Nhật Bản Shizo Abe cho biết, Nhật Bản sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển kinh tế với các nước trong khu vực:“Nhật Bản đã đạt được sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ bất chấp việc thiếu nguồn năng lượng, vấn đề ô nhiễm cũng như các hạn chế khác. Chúng tôi có nền tảng khoa học kỹ thuật để vượt qua những hạn chế đó và sẵn sàng chia sẻ với các nước trong khu vực”. 

APEC được thành lập năm 1989 với mục đích chính tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng trong khu vực, bao gồm 21 nền kinh tế thành viên. Hội nghị cấp cao APEC được tổ chức hàng năm kể từ Hội nghị đầu tiên được tổ chức tại Mỹ tháng 11/1993./.