Chiều tối (8/10), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn cấp cao nước ta đã rời Bali, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 21 diễn ra từ ngày 7 đến ngày 8/10/2013 tại Bali, Indonesia. Sự thành công của Tuần lễ APEC 2013 đã góp phần đẩy mạnh xu hướng hợp tác, liên kết kinh tế cùng có lợi giữa các thành viên và nâng cao vị thế của APEC. Nhân kết thúc hội nghị cấp cao APEC lần thứ 21.

Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 21 diễn ra vào thời điểm tình hình quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến quan trọng. Kinh tế thế giới vẫn phục hồi yếu. Các thách thức toàn cầu diễn biến phức tạp và cản trở nỗ lực phục hồi kinh tế của các quốc gia. APEC được coi là đầu tàu phục hồi kinh tế toàn cầu, nhưng tăng trưởng và thương mại của khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như vai trò của Diễn đàn APEC đang đứng trước những thách thức không nhỏ. Trong bối cảnh đó, Hội nghị Cấp cao APEC lần 21 có ý nghĩa quan trọng đề ra những định hướng lớn để đẩy mạnh liên kết kinh tế - thương mại của APEC và tăng cường vị thế của Diễn đàn trong tình hình mới.

ctn-du-apec.jpg

Hội nghị cấp cao dù chỉ diễn ra trong 2 ngày nhưng đã đạt được những kết quả nổi bật với việc các nhà Lãnh đạo APEC đã nhất trí thông qua Tuyên bố “Ủng hộ hệ thống thương mại đa phương và Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 9 của Tổ chức thương mại thế giới”. Đây là thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm chung của APEC, có ý nghĩa rất thiết thực khi các thành viên WTO đang nỗ lực cao để đạt được kết quả cụ thể, từ đó khôi phục lòng tin vào hệ thống thương mại đa phương và đóng góp vào nỗ lực phục hồi kinh tế toàn cầu.  Cùng với đó, Hội nghị đã thông qua “Tuyên bố các nhà Lãnh đạo APEC về châu Á–Thái Bình Dương tự cường, động lực của tăng trưởng toàn cầu”. Để đẩy mạnh thực hiện các Mục tiêu Bogo về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020, các nhà Lãnh đạo nhất trí thông qua những định hướng mới, gồm Khuôn khổ tổng thể, dài hạn về kết nối khu vực đối với hạ tầng, thể chế và con người, và Kế hoạch dài hạn phát triển cơ sở hạ tầng và đầu tư của APEC, hướng tới hình thành một châu Á – Thái Bình Dương tự cường, gắn kết, phát triển đồng đều, công bằng và bền vững. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định:Tăng cường hợp tác nhằm thúc đẩy phát triển bền vững gắn với công bằng trở thành một nội dung ưu tiên của Hội nghị năm nay. Lần đầu tiên các nhà Lãnh đạo APEC thông qua Lộ trình hợp tác an ninh lương thực APEC đến năm 2020, Sáng kiến APEC về hợp tác các vấn đề liên quan đại dương, và đẩy mạnh hợp tác ứng phó với các thách thức an ninh lương thực - nước - năng lượng. Những nội hàm hợp tác này có ý nghĩa thiết thực đối với nỗ lực của các nền kinh tế thành viên trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng và ứng phó với các thách thức toàn cầu”.

Với hàng loạt các phiên họp kín và các phiên đối thoại, các nhà Lãnh đạo đã thảo luận sâu sắc định hướng duy trì vai trò của APEC trong khi hợp tác kinh tế, nhất là các hiệp định thương mại tự do, gia tăng. Các nhà Lãnh đạo nhất trí APEC cần giữ vai trò điều phối trong việc tăng cường chia sẻ thông tin giữa các cơ chế liên kết quan trọng ở khu vực, tích cực góp phần định hình cục diện ổn định và bền vững, có lợi cho hòa bình, phát triển và thịnh vượng của châu Á – Thái Bình Dương.

Trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao APEC cũng đã diễn ra Cuộc họp Cấp cao Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Sự kiện này cũng đánh dấu sự tham gia lần đầu tiên của Lãnh đạo ba thành viên mới là Nhật Bản, Canada, Mexico và việc nhiều nước trong khu vực bày tỏ quan tâm, TPP tiếp tục khẳng định là liên kết kinh tế tiềm năng ở khu vực, đóng góp 40% GDP và 1/3 thương mại toàn cầu. Đáng chú ý là các thành viên khẳng định cùng nỗ lực giải quyết các vấn đề còn lại để hoàn tất đàm phán trong thời gian sớm nhất nhằm đạt một hiệp định toàn diện, cân bằng, tính đến sự đa dạng về trình độ phát triển của các thành viên.

Những kết quả đạt được tại Hội nghị cấp cao APEC 2013, không chỉ mở ra cơ hội hợp tác giữa các thành viên mà còn ghi dấu ấn những đóng góp của Việt Nam. Nổi bật nhất là Chủ tịch nước ta có bài phát biểu dẫn đề quan trọng tại Phiên họp đầu tiên của Hội nghị về “Vai trò của APEC trong củng cố thương mại đa phương trong tình hình kinh tế toàn cầu hiện nay”, Chủ tịch nước đã nêu các đề xuất tạo xung lực cho liên kết kinh tế, ưu tiên thực hiện mục tiêu Bogo, và nhất là cần hành động mạnh mẽ và thể hiện sự linh hoạt cần thiết để Hội nghị Bộ trưởng WTO sắp tới đạt kết quả cụ thể.Chúng ta cũng đã đề nghị đưa hợp tác bảo đảm an ninh về lương thực, nguồn nước, năng lượng thành một nội hàm ưu tiên của các cơ chế liên quan trong APEC, đồng thời tăng cường hợp tác về bảo vệ nguồn nước, ứng phó với tình trạng khẩn cấp, cứu hộ cứu nạn trên biển... Các thành viên đã hoan nghênh những đề xuất của Việt Nam góp phần thúc đẩy hợp tác hướng tới phát triển bền vững gắn với công bằng. Từ kinh nghiệm triển khai kết nối trong ASEAN, chúng ta cũng đề nghị thúc đẩy triển khai định hướng mới của APEC về kết nối, tăng cường phối hợp của APEC với các chương trình kết nối tiểu vùng. Chúng ta đề nghị APEC tích cực hỗ trợ mục tiêu xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015, phối hợp trong triển khai các dự án của ASEAN về hạ tầng cơ sở, kết nối chuỗi cung ứng, các chương trình tiểu vùng Mê Công về kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển.

Đặc biệt, Việt Nam tuyên bố sẽ đăng cai Hội nghị Cấp cao APEC và các hoạt động quan trọng của Diễn đàn trong năm 2017, đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của tất cả các thành viên, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định việc dành cho Việt Nam đăng cai Hội nghị APEC vào năm 2017 là sự đánh giá cao của bạn bè quốc tế về vai trò và uy tín của Việt Nam.

“Việc đăng cai Hội nghị cấp cao APEC thể hiện quyết tâm của chúng ta trong việc triển khai mạnh mẽ chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Đại hội Đảng lần thứ XI, đồng thời cho thấy Tầm nhìn dài hạn của Việt Nam về châu Á – Thái Bình Dương cũng như nguyện vọng đóng góp đầy trách nhiệm của chúng ta đối với các vấn đề chung ở khu vực”.

Bên cạnh dấu ấn Việt Nam tại Hội APEC 2013 mở ra cơ hợp tác liên kết khu vực thì trên lĩnh vực hợp tác song phương cũng mở ra triển vọng hợp tác mới. Tại Bali, Chủ tịch nước đã có các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc song phương với nhiều Nguyên thủ, Lãnh đạo thành viên APEC, trong đó có Tổng thống nước chủ nhà Indonesia, Quốc vương Brunei, Chủ tịch Trung Quốc, Tổng thống Liên bang Nga, Peru, Trưởng đoàn Hoa Kỳ, các Thủ tướng Nhật Bản, Australia, New Zealand, Papua New Guinea…Chủ tịch nước cũng đã tiếp nhiều tập đoàn hàng đầu khu vực. Các cuộc tiếp xúc song phương đã đạt những kết quả rất cụ thể, góp phần làm sâu sắc thêm quan hệ với thành viên APEC và các đối tác trong khu vực.

Tại các cuộc gặp gỡ và tiếp xúc, các nhà lãnh đạo đã nhất trí về nhiều biện pháp nhằm cụ thể hóa và đẩy mạnh các nội hàm hợp tác, đặc biệt là các mối quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện. Việt Nam và Indonesia đã ký kết Chương trình hành động giai đoạn 2014-2018 triển khai quan hệ Đối tác chiến lược vừa được thiết lập trong năm nay, đánh dấu giai đoạn phát triển mới của quan hệ hai nước.Chúng ta cùng với Peru cũng đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác trong khuôn khổ APEC khi hai nước lần lượt đăng cai các Hội nghị cấp cao APEC năm 2016 và 2017. Và cũng tại các cuộc gặp song phương hay đối thoại với các tập đoàn, các bên đều khẳng định tiếp tục ủng hộ và sẽ cùng đồng hành với Việt Nam trong nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế và hội nhập quốc tế toàn diện. Các nước đánh giá cao sự đóng góp chủ động và tích cực của Việt Nam trong nỗ lực chung nhằm duy trì hòa bình, ổn định và tăng cường hợp tác, liên kết kinh tế ở khu vực và trên thế giới, đồng thời nhất trí tăng cường phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương quan trọng.

Có thể khẳng định những kết quả thiết thực đạt được tại các Hội nghị APEC 2013 cũng như tại các cuộc gặp song phương một lần nữa khẳng định, Diễn đàn APEC là nơi hội tụ nhiều đối tác chiến lược, kinh tế, thương mại hàng đầu, và sẽ tiếp tục là một trong những cơ chế hợp tác khu vực quan trọng đối với nước ta. APEC cùng các cơ chế hợp tác khác ở khu vực như ASEAN, ASEAN với các đối tác, Cấp cao Đông Á (EAS), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)… đang hứa hẹn nhiều tiềm năng hợp tác mới, tạo thêm nền tảng củng cố xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển./.