Điều này đang khiến viễn cảnh đạt thỏa thuận trước ngày đầu năm mới giữa hai bên nhằm tránh tình trạng kinh tế hỗn loạn và tốn kém trở nên xa vời.
Phát biểu tại Brussels, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của Liên minh châu Âu, ông Michel Barnier cho biết, phía EU tôn trọng chủ quyền của Anh và cũng hy vọng có được điều tương tự. Theo ông Barnier, cả EU và Anh đều phải có quyền viện dẫn luật pháp riêng và kiểm soát các vùng biển của mình và cả hai phía đều có thể hành động khi các lợi ích của mình lâm nguy. Tuy nhiên, EU tiếp tục cam kết với một thỏa thuận công bằng, tương hỗ và cân bằng.
“Đó là khoảnh khắc của sự thật. Chúng ta chỉ còn rất ít thời gian nếu bạn muốn thỏa thuận này có hiệu lực vào ngày 1/1. Chúng tôi muốn cân bằng giữa quyền, nghĩa vụ và có đi có lại. Không hơn không kém”, ông Barnier nhận định.
Trong khi đó, Văn phòng của Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, EU đang tiếp tục đưa ra những yêu cầu không phù hợp với nền độc lập của Vương quốc Anh. Do vậy, phía Anh không thể chấp nhận một thỏa thuận không cho phép nước này kiểm soát luật pháp hoặc vùng biển của mình. Giới chức Anh tiếp tục kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) điều chỉnh quan điểm để mở đường tiến tới đột phá trong đàm phán.
Thủ tướng Anh Boris Johnson nói: “Về phần Vương quốc Anh, chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều. Chúng tôi hy vọng rằng, những người bạn EU của chúng tôi cũng thấy hợp lý và cùng nhất trí một điều gì đó trên bàn thảo luận”.
Ý thức về quyền kiểm soát vùng biển là một phần thúc đẩy những người ủng hộ Brexit giành chiến thắng trong cuộc trưng cầu ý dân năm 2016. Thủ tướng Anh Boris Johnson đã cam kết với người dân sẽ giành về càng nhiều vùng biển cho nước Anh càng tốt.
Trong khi đó, EU luôn khẳng định rằng những vùng biển đó đã được chia sẻ trong nhiều thập kỷ, nếu không muốn nói là hàng thế kỷ và khẳng định nếu quá nhiều quyền đánh bắt cá bị tước đoạt, EU sẽ trừng phạt Anh bằng cách áp đặt các rào cản thương mại.
Theo kế hoạch, các bên tiếp tục đàm phán trong hôm nay, tức là qua hạn chót 20/12 mà Nghị viện châu Âu (EP) đặt ra. Các cuộc đàm phán hiện vẫn tập trung giải quyết hai vấn đề then chốt: quyền đánh bắt cá của EU tại các vùng biển của Anh và tạo “sân chơi” với các quy định về cạnh tranh công bằng cho cả hai phía. Hiện phía Anh cho biết sẵn sàng thảo luận về một giai đoạn chuyển tiếp đối với các tàu thuyền của EU.
Như vậy, có thể nói hôm nay là thời hạn cuối cùng cho EU và Anh đạt thỏa thuận để có thể chuyển cho Nghị viện hai bên phê chuẩn trước khi kết thúc năm 2020. Trong trường hợp không kịp phê chuẩn, EU và Anh có thể vẫn áp dụng một thỏa thuận sơ bộ tạm thời để chờ Nghị viện châu Âu phê chuẩn sau.
Còn trong trường hợp hai bên không đạt được thỏa thuận hậu Brexit sẽ dẫn đến sự hỗn loạn ở biên giới giữa Anh với EU vào đầu năm 2021, khi các mức thuế mới sẽ gây trở ngại cho thương mại của cả hai bên. Trong trường hợp này, nền kinh tế Anh sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn, ít nhất là trong ngắn hạn, vì Anh phụ thuộc thương mại vào EU nhiều hơn so với đối tác./.