Anh và các nước phương Tây áp lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga cũng như trừng phạt Tổng thống Vladimir Putin sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine ngày 24/2.

Trả lời phỏng vấn Telegraph, Ngoại trưởng Anh Liz Truss cho biết, các lệnh trừng phạt có thể được dỡ bỏ nếu Nga thay đổi thái độ.

“Chúng tôi biết rằng Nga đã ký kết nhiều thỏa thuận và họ không tuân thủ. Vì thế, cần phải có các biện pháp cứng rắn hơn. Trừng phạt là một biện pháp như vậy. Các lệnh trừng phạt chỉ được gỡ bỏ nếu Nga ngừng bắn hoàn toàn và rút quân, đồng thời cam kết không gây hấn. Sẽ có thêm các đòn trừng phạt nữa nếu họ còn tiếp tục gây hấn trong tương lai”, bà Truss nói.

Chính phủ Anh cho biết, tới nay nước này đã áp trừng phạt các ngân hàng Nga với tổng tài sản trị giá 658,65 tỷ USD và giới tài phiệt cùng các thành viên gia đình với khổi tài sản lên tới hơn 197,86 tỷ USD.

Bà Truss cũng cho biết, cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine đã khiến Anh và Liên minh châu Âu (EU) xích lại gần nhau hơn sau khi mối quan hệ giữa 2 bên rơi vào căng thẳng hậu Brexit.

Trong khi đó, phó chủ tịch hội đồng an ninh Nga - ông Dmitry Medvedev trước đó đã lên tiếng cho rằng: "Thật ngu ngốc nếu tưởng rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây với doanh nghiệp Nga có thể gây ảnh hưởng đến chính quyền Moscow".

Trả lời phỏng vấn Hãng tin RIA của Nga, ông Medvedev cho rằng các lệnh trừng phạt vừa qua chỉ giúp xã hội Nga đoàn kết hơn; đồng thời khẳng định Chính phủ Nga sẽ tìm ra "các giải pháp tương xứng" để thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp máy bay, ô tô, công nghệ thông tin… của nước này./.