Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen ngày 14/10 có cuộc gặp với Thủ tướng Anh Boris Johnson, ngay trước thời hạn chót 15/10 mà Anh đặt ra để hai bên đạt được thỏa thuận thương mại hậu Brexit. Đây cũng là thời điểm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu, với phần lớn  thời lượng sẽ dành cho vấn đề Brexit. Dù không bên nào mong muốn, song kịch bản về một sự chia tay không thỏa thuận đang bao trùm cả London, Brussels, cũng như các thị trường toàn cầu.

Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh hầu như tất cả các ý kiến tại châu Âu đều không mấy lạc quan về khả năng đạt được thỏa thuận trước thời hạn chót 15/10 như mong muốn của Thủ tướng Boris Johnson. Dù đã bước vào giai đoạn nước rút, song những bế tắc chính hiện nay trong vấn đề nghề cá và sân chơi bình đẳng vẫn chưa được khơi thông. Ngoại trưởng Pháp Jean Yves Le Drian thừa nhận, từ nay đến giữa tháng 11 tới, mọi chuyện sẽ phải được quyết định, song khả năng đạt được một thỏa thuận trong ngày hôm nay là rất khó.

Kể từ khi Anh chính thức rời Liên minh châu Âu hồi cuối năm ngoái, các cuộc đàm phán giữa Anh và Liên minh châu Âu về một thỏa thuận thương mại tự do hậu Brexit, dự kiến sẽ phải có hiệu lực ngay khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc vào cuối năm nay, vẫn lâm vào bế tắc. Cả hai bên không ngừng cáo buộc lẫn nhau đã để xảy ra nguy cơ “không có thỏa thuận”. Kịch bản này nếu xảy ra có thể gây hậu quả tàn phá đối với nền kinh tế của cả Anh và Liên minh châu Âu.

Tuy nhiên, Anh tới nay vẫn rất kiên quyết. Phát biểu trước Quốc hội, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab tuyên bố: “Triển vọng đạt được một thỏa thuận vẫn còn đó. Tôi hy vọng Anh và Liên minh châu Âu có thể thu hẹp khoảng cách. Nhưng điều này chỉ có thể đạt được với thiện chí và sự linh hoạt từ phía phía Liên minh châu Âu,  như cách mà Anh và Thủ tướng Boris Johnson đã thể hiện”.

Một nguồn tin Chính phủ Anh thậm chí còn cáo buộc Liên minh châu Âu đang sử dụng “chiến thuật cũ” để kéo dài thời hạn đàm phán. Theo nguồn tin, Liên minh châu Âu tin rằng tiến trình càng kéo dài, Anh sẽ càng phải nhượng bộ. Tuy nhiên thực tế là tất cả những chiến thuật này chỉ khiến các bên bước vào tháng 10 với rất nhiều việc đáng lẽ phải hoàn tất trước đó.

Nếu như những bước tiến đã được ghi nhận về cạnh tranh công bằng, thì nghề cá vẫn dậm chân tại chỗ. Liên minh châu Âu từng tuyên bố sẽ không ký bất kỳ giao ước thương mại mới nào với Anh nếu như không có một thỏa thuận ổn định về vấn đề này. Hiện nay, việc đánh bắt cá chủ yếu diễn ra ở vùng biển Vương quốc Anh song lại do phần lớn các ngư dân Liên minh châu Âu thực hiện và nắm giữ. Anh muốn rằng, sau khi Brexit được thực hiện vào đầu năm tới, với tư cách là một quốc gia ven biển mới độc lập, nước này có thể kiểm soát vùng biển và cá của mình. Anh thậm chí còn muốn tách vấn đề này ra khỏi các cuộc đàm phán về thương mại.

Bộ trưởng các vấn đề Liên minh châu Âu của Đức Michael Roth nhấn mạnh: “Chúng ta đang ở giai đoạn đàm phán rất quan trọng về các mối quan hệ tương lai giữa Liên minh châu Âu và Anh. Áp lực là cực kỳ lớn bởi thời gian không còn nhiều. Đây là lý do tại sao chúng tôi mong đợi những tiến bộ đáng kể từ phía Anh trong các lĩnh vực chính như quản trị, sân chơi bình đẳng và đặc biệt là nghề cá.”

Phát biểu trước các Ngoại trưởng Liên minh châu Âu, Nhà đàm phán hàng đầu Michel Barnier thừa nhận, những điểm bế tắc vẫn không hề thay đổi bất chấp các cuộc thảo luận mang tính xây dựng.

Trong thư mời lãnh đạo các nước thành viên tham dự Hội nghị thượng đỉnh, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nhấn mạnh, việc đạt được thỏa thuận là vì lợi ích của cả 2 bên, song không phải là bằng bất kỳ giá nào. Ông cảnh báo những ngày tới sẽ mang tính quyết định./.