Đây có thể xem là vòng đàm phán cuối cùng giữa hai bên trước thời điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu vào tuần tới. Tuy nhiên, bất đồng giữa hai bên trong một số vấn đề then chốt, nhất là nghề cá khiến đàm phán vẫn giậm chân tại chỗ. Phía Anh và Liên minh châu Âu thừa nhận, hai bên đang phải đối mặt với tình huống vô cùng khó khăn.
Cả Anh và Liên minh châu Âu đều đang nỗ lực để đạt được một thỏa thuận thương mại hậu Brexit trị giá lên đến 900 tỷ USD có vai trò chi phối quan hệ thương mại song phương sau ngày 31/12 – thời điểm các thỏa thuận chuyển tiếp hết hiệu lực. Chính phủ Anh thậm chí còn đặt ra thời hạn chót 15/10 – thời điểm bắt buộc phải đạt được thỏa thuận trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu. Nếu không, cả Anh và Liên minh châu Âu nên chấp nhận thực tế và Anh sẽ thiết lập mối quan hệ thương mại với khối này “theo kiểu Australia” với Liên minh châu Âu hoặc tương tự như với Canada và các nước khác.
Thời điểm hạn chót chỉ còn tính từng giờ, song cho đến nay mọi thứ dường như vẫn giậm chân tại chỗ do bất đồng giữa hai bên liên quan đến một số vấn đề chủ chốt, nhất là việc phân chia quyền đánh bắt cá. Quyền đánh bắt cá được xem là mối quan tâm chính của các quốc gia có chung các vùng biển với Anh, gồm Hà Lan, Bỉ, Đan Mạch, Đức và đặc biệt là Pháp - nước luôn giữ lập trường cứng rắn nhất trong vấn đề này. Trong các cuộc đàm phán, phía châu Âu cho tới nay vẫn yêu cầu các tàu của họ sẽ tiếp tục được tự do tiếp cận các vùng biển của Vương quốc Anh, ngay cả sau khi giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit kết thúc. Tuy nhiên, phía Anh lại muốn hạn chế quyền tiếp cận này, đồng thời đề nghị quyền đánh bắt cá trên vùng biển nước này phải được đàm phán lại mỗi năm.
Để trợ lực cho đàm phán ngày cuối, Trưởng đoàn đàm phán Liên minh châu Âu Michel Barnier hôm qua (8/10) đã tức tốc tới Anh để chuẩn bị cho cuộc gặp người đồng cấp Anh David Frost. Phát biểu trước báo giới, ông Michel Barnier thừa nhận, đàm phán không hề dễ dàng gì. Để có được một thỏa thuận, hai bên phải thẳng thắn trong mọi vấn đề và có sự thỏa hiệp.
“Giống như bất cứ cuộc đàm phán nào, chẳng có gì có thể đạt được cho đến khi các bên nhất trí được về mọi vấn đề. Những ngày tới sẽ vô cùng quan trọng đối với cả hai bên. Đây là khoảnh khắc của sự thật và chỉ còn một tuần trước thời điểm hội nghị của Hội đồng châu Âu diễn ra vào ngày 15-16/10 tới. Đây là một tình huống đầy khó khăn. Chúng tôi cho rằng chúng tôi còn cần phải làm rõ thêm nhiều vấn đề nữa .”
Về phía Anh, Trưởng đoàn đàm phán của Anh David Frost trong một tuyên bố hồi đầu tuần đã nói rằng, phía Anh đang nỗ lực để có được một thỏa thuận với Liên minh châu Âu trước hạn chót là ngày 15/10 tới. Tuy nhiên, nếu mọi việc không diễn ra suôn sẻ, Anh cũng đã chuẩn bị cho kịch bản không thỏa thuận.
“Chúng tôi đang nỗ lực để đạt được một thỏa thuận. Chúng tôi mong muốn có được một thỏa thuận tốt nhất cho cả hai bên. Tuy nhiên, rõ ràng là nếu chúng tôi không đạt được một thỏa thuận, chúng tôi vẫn hài lòng để hợp tác thương mại với Liên minh châu Âu theo các điều khoản kiểu Australia và tôi tin là chúng tôi sẽ thịnh vượng hơn nếu làm như vậy.”
Theo đánh giá của giới phân tích, để đạt được thỏa thuận đòi hỏi cả Anh và Liên minh châu Âu phải có sự thỏa hiệp cân bằng và khéo léo giữa các nước thành viên Liên minh châu Âu muốn duy trì quyền tiếp cận hoạt động đánh bắt cá ở vùng nước sâu, các quốc gia khác chú trọng đến việc tiếp cận các vùng nước ven biển cũng như với cả Anh. Trong bối cảnh các lợi ích đan xen, chồng chéo nhau, nếu không có sự thỏa hiệp, kịch bản Anh rời Liên minh châu Âu mà không có thỏa thuận là điều hoàn toàn có thể xảy ra./.