Thoả thuận về việc mở lại biên giới giữa hai nước được Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen và Thủ tướng Na Uy Erna Solberg thông báo trong cuộc họp báo chung chiều ngày 29/5.
Đan Mạch, Na Uy thoả thuận mở biên giới nhưng đóng cửa với Thuỵ Điển. Ảnh minh họa: Reuters |
Theo thoả thuận này, Đan Mạch và Na Uy sẽ lần lượt mở lại biên giới để đến ngày 15/6 sẽ cơ bản gỡ bỏ hết các hạn chế được duy trì từ nhiều tháng qua. Ngoài ra, Đan Mạch cũng sẽ mở cửa với công dân Đức và Iceland.
Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là nước láng giềng Bắc Âu Thuỵ Điển bị loại ra ngoài thoả thuận này của Đan Mạch và Na Uy. Giải thích cho quyết định này, nữ Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cho biết: “Đan Mạch và Thuỵ Điển đang ở các vị trí khác nhau trong cuộc chiến chống Covid-19. Vì thế, đương nhiên là điều này ảnh hưởng đến các quyết định về vấn đề biên giới”.
Chung quan điểm với phía Đan Mạch, Thủ tướng Na Uy, bà Erna Solberg cũng cho rằng, tình hình ở Thuỵ Điển vẫn chưa hoàn toàn đồng bộ với các nước láng giềng, và trước mắt có thể chỉ có công dân một số vùng có mức độ lây nhiễm thấp ở Thuỵ Điển được phép đến Na Uy và Đan Mạch.
Tại châu Âu, Thuỵ Điển là nước có cách đối phó với Covid-19 rất khác biệt khi công khai theo đuổi chiến lược “miễn dịch cộng đồng”. Vì thế, Thuỵ Điển không thực hiện phong toả, cũng không đóng cửa trường học hay quán ăn, cửa hàng… mà chỉ khuyến cáo dân chúng tuân thủ các quy định vệ sinh an toàn.
Tuy nhiên, kết quả của chiến lược này hiện đang gây ra rất nhiều tranh cãi, khi Thuỵ Điển chịu các tổn thất nặng vì Covid-19. Tính đến hết ngày 29/5, Thuỵ Điển đã có 4.350 người thiệt mạng vì Covid-19, cao gấp nhiều lần các nước láng giềng Bắc Âu như Đan Mạch (568) hay Na Uy (236).
Các chỉ trích đối với chiến lược đối phó Covid-19 của chính phủ Thuỵ Điển đang ngày càng tăng. Trong ngày 29/5, hai đảng đối lập lớn nhất tại Thuỵ Điển là đảng Dân chủ và đảng Trung dung đã yêu cầu thành lập một Uỷ ban điều tra độc lập để điều tra cách thức ứng phó của chính phủ Thuỵ Điển với đại dịch./.