Hôm nay (27/4), Ấn Độ xác nhận đã có thêm hơn 323.000 người dương tính với SARS-CoV-2 trong 24 giờ trước đó, đưa tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên 17,6 triệu người. Số người tử vong vì Covid-19 trong ngày hôm qua vẫn chưa giảm, ở mức là 2771 ca. Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh chưa có dấu hiệu lắng dịu, quốc gia Nam Á này đang nỗ lực để ngăn chặn dịch lây lan, huy động các nguồn lực để đáp ứng nhu cầu oxy y tế.
Như vậy, số ca bệnh mới trong 24 giờ qua tại Ấn Độ đã có sự suy giảm nhẹ so với ngày trước đó. Tuy nhiên, đây có thể chỉ là hiện tượng nhất thời như từng diễn ra vài ngày trước. Giới chức y tế Ấn Độ vẫn thận trọng và quan sát thêm những diễn biến trong những ngày tới.
Các cơ quan chức năng Ấn Độ đang nỗ lực hết sức để ngăn chặn làn sóng dịch bệnh hiện nay. Bộ Nội vụ Ấn Độ đề nghị chính quyền các bang và vùng lãnh thổ liên bang của nước này, áp đặt các hạn chế phong tỏa và thực hiện các biện pháp quản lý nghiêm ngặt trong ít nhất 14 ngày, nhằm chặn đà lây nhiễm của virus SARS-CoV-2. Cơ quan này cho rằng diễn biến của dịch bệnh tại nước này là chưa từng có, vì thế phải kéo dài các hành động ngăn ngừa mạnh tay.
Bộ Y tế Ấn Độ ngày 25/4 cũng khuyến cáo tất cả các địa phương thực hiện “một khuôn khổ ngăn chặn dịch bệnh chuyên sâu, cục bộ và tập trung”. Đó là phải áp đặt giới nghiêm ban đêm, đóng cửa trung tâm thương mại, giới hạn số lượng nhân lực trong các văn phòng ở mức 50%. Các biện pháp hạn chế cần phải kéo dài liên tục trong 2 tuần. Ngoài ra, Ấn Độ cũng áp dụng Đạo luật Quản lý Thảm họa 2005 với mặt hàng oxy lỏng phục vụ y tế. Theo đó, tất cả oxy lỏng bao gồm cả số lượng do các nhà máy tư nhân sản xuất sẽ phải cung cấp cho chính phủ và chỉ được sử dụng cho mục đích y tế.
Để giải quyết vấn đề cạn kiệt oxy phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19, chính quyền Thủ đô New Delhi đã thông báo lắp đặt 44 trạm sản xuất khí oxy trong vòng 1 tháng tới tại vùng Thủ đô của Ấn Độ. Số cơ sở sắp được lắp đặt này sẽ bổ sung cho 36 trạm đã xây dựng trước đó và đang do chính quyền thành phố quản lý. Ấn Độ cũng sẽ nhận thêm 21 trạm sản xuất oxy của Pháp, 18 của Thái Lan và 15 trạm ở trong nước để đáp ứng nhu cầu tại thành phố.
Hiện tại, số giường bệnh điều trị đặc biệt của thủ đô New Delhi đã hết. Chính quyền thành phố đang lên kế hoạch bổ sung khẩn cấp tại các bệnh viện dã chiến. Mục tiêu là khoảng 1.200 giường ICU sẽ sẵn sàng để tiếp nhận bệnh nhân vào ngày 10/5 tới. Thủ đô New Delhi hiện đang là 1 trong số 10 bang có số ca nhiễm nhiều nhất Ấn Độ. Các địa phương này chiếm tới 71% số ca dương tính mới của Ấn Độ.
Trong lúc này, thế giới cũng đang nỗ lực cứu trợ, gửi hàng hóa, thiết bị y tế cho Ấn Độ. Không quân Ấn Độ vừa nhận bàn giao 6 bồn chứa oxy từ Dubai và chuyển về nước. Tập đoàn Adani cũng đã huy động được thêm 7 bồn chứa oxy từ Thái Lan để phục vụ công tác chống dịch tại Ấn Độ.
Trong ngày, chuyến hàng cứu trợ đầu tiên của Anh cũng đã được chuyển tới Thủ đô New Delhi. Lô hàng này gồm 100 máy thở, 95 máy tạo oxy cá nhân. Mỹ hôm qua (26/4) cũng đã tuyên bố cử một đội chống dịch cơ động tới giúp Ấn Độ. Đây là các chuyên gia y tế công cộng có nhiệm vụ xác định trình tự và mô hình hóa bệnh tật, ngăn ngừa và kiểm soát nhiễm trùng và truyền thông thảm họa.
Hiện tại, các nhà khoa học Ấn Độ vẫn đang khá thận trọng khi đưa ra các số liệu đánh giá về dịch bệnh, cũng như dự báo tình hình phát triển dịch trong những ngày tới. Trước đó, các ước đoán với làn sóng dịch thứ hai này đã không lường trước quy mô của dịch. Hồi cuối tháng 3, người ta dự báo Ấn Độ sẽ lên tới đỉnh dịch vào nửa cuối tháng 4, nhưng nhận định này đã không chính xác nữa vì làn sóng lây nhiễm vẫn đang kéo dài.
Một nghiên cứu mới đây của Viện Công nghệ Ấn Độ cho biết, dựa trên mô hình tính toán SUTRA, các nhà khoa học cho rằng đỉnh dịch sẽ rơi vào khoảng ngày 14 - 18/5, với số ca nhiễm đang điều trị lúc đó là 3,8 – 4,8 triệu người. Số ca nhiễm SARS-CoV-2 mỗi ngày sẽ có thể tăng thêm khoảng 440.000 người. Một tính toán khác lại cho rằng dịch sẽ lên tới mốc cao nhất vào ngày từ 11- 15/5, với 3,3 – 3,5 triệu ca điều trị và bắt đầu giảm từ cuối tháng 5./.