Theo dự báo phân bổ tạm thời của Cơ chế phân bổ vaccine toàn cầu COVAX, các nước sẽ nhận được số lượng vaccine Covid-19 theo quy mô dân số. Vì thế, Ấn Độ - quốc gia có dân số đứng thứ 2 thế giới sẽ nhận được lượng vaccine Covid-19 nhiều nhất thế giới, ở mức 97,2 triệu liều.

Xếp thứ 2 trong danh sách này là nước láng giềng của Ấn Độ - Pakistan với 17,2 triệu liều. Đây là thống kê vừa được đưa ra khi các nước bắt đầu nhận được các lô vaccine theo chương trình COVAX.

Sáng kiến ​​COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cùng các đối tác lập ra nhằm mục đích tạo sự tiếp cận công bằng trên toàn cầu đối với vaccine Covid-19, đặc biệt là cho các nước đang phát triển. Hiện tại, cơ chế này đang lên kế hoạch phân phối 337,2 triệu liều vaccine đầu tiên từ cuối tháng 2. Đây sẽ là đợt giao hàng đầu tiên trong tổng số 2 tỷ liều được đặt hàng theo cơ chế quốc tế này.

Việc Ấn Độ được phân bổ số lượng vaccine lớn nhất căn cứ trên quy mô dân số hơn 1,3 tỷ người của nước này. Tuy nhiên, có một thực tế là số lượng vaccine mà Ấn Độ đang có và sẽ nhận được dường như đang vượt quá nhu cầu hiện tại. Sau gần 3 tuần bắt đầu chiến dịch tiêm chủng, tốc độ tiêm chủng vaccine Covid-19 của Ấn Độ hiện vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra. Ấn Độ đã chuẩn bị cơ sở vật chất và nhân lực y tế cho chương trình tiêm chủng Covid-19 nhiều tham vọng. Tuy nhiên, nhiều người dân nước này vẫn do dự đi tiêm vì những thông tin chưa chuẩn xác.

Theo kế hoạch phân bổ của COVAX, đợt giao hàng thứ hai với 17,2 triệu liều sẽ được dành cho Pakistan, tiếp theo là 16 triệu liều đến Nigeria và 13,7 triệu liều cho Indonesia. Triều Tiên cũng sẽ nhận được 2 triệu liều vaccine Covid-19.

Ấn Độ hiện cũng là một trong những nhà cung cấp vaccine Covid-19 lớn nhất thế giới. Theo truyền thông Ấn Độ, Viện Huyết thanh Ấn Độ - công ty dược phẩm đang sản xuất vaccine Covishield do Đại học Oxford và AstraZeneca phát triển, hiện còn hơn 55 triệu liều trong kho và đã tạm ngừng sản xuất. Loại vaccine chính được sử dụng trong chương trình COVAX do Đại học Oxford và AstraZeneca phát triển. Ngoài ra, cơ chế này cũng huy động khoảng 1,2 triệu liều vaccine do Pfizer và BioNtech sản xuất, vốn yêu cầu điều kiện bảo quản lạnh sâu. Dự kiến, Peru, Philippines và Colombia sẽ nhận được các lô vaccine của Pfizer và BioNtech./.