Như vậy là sau 9 tháng kể từ ca lây nhiễm đầu tiên, chiến dịch phòng chống Covid-19 tại khu ổ chuột Dharavi đã có những thành quả. Dharavi từng được cho là nơi có nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 lớn nhất thế giới bởi mật độ dân số đông, với đa phần là người nghèo có điều kiện chăm sóc y tế kém. Tổng số ca mắc Covid-19 tại Dharavi tới lúc này là 3788, trong đó còn khoảng 12 người đang được điều trị.
Trải dài trên diện tích 2,5 km vuông ở trung tâm thành phố Mumbai, bang Maharashtra, Dharavi được xem là khu ổ chuột lớn nhất châu Á với dân số lên tới 650 nghìn người. Ca lây nhiễm đầu tiên được ghi nhận tại Dharavi vào ngày 1/4, làm dấy lên lo ngại rằng sẽ có một đợt bùng phát dịch bệnh tại đây do số người quá lớn sinh sống trong một khu vực chật hẹp.
Tuy nhiên, các báo cáo thực hiện trong những tháng qua cho thấy cư dân tại Dharavii đã hợp tác cùng các nhân viên y tế để đảm bảo việc triển khai có hệ thống các biện pháp ngăn chặn Covid-19, phong tỏa và chăm sóc người nhiễm.
Hồi tháng 7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ca ngợi mô hình chống dịch tại Dharavi, mà theo Tổng giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus là đã kiểm soát thành công đại dịch bất chấp mật độ dân số đông.
Thực tế, rất nhiều thách thức đặt ra với việc chống dịch và đảm bảo vệ sinh tại Dharavi, trong đó phải kể đến việc 80% dân số phụ thuộc vào các nhà vệ sinh cộng đồng, 450 nhà vệ sinh cộng đồng hoạt động 24/24 giờ. Và đa phần dân cư tại đây phụ thuộc vào nguồn thực phẩm từ bên ngoài.
Tuy nhiên, cộng đồng tại Dharavi đã áp dụng rất tốt mô hình chống dịch gồm: sàng lọc - theo dấu - xét nghiệm và điều trị. Điều gây ngạc nhiên là 90% số người bệnh được điều trị ngay tại Dharavi, chỉ có những ca bệnh nặng mới phải chuyển tới bệnh viện ở bên ngoài để chữa chạy./.