Các nguồn tin của Chính phủ Ấn Độ cho biết nước này hiện không có kế hoạch dừng xuất khẩu gạo trong thời gian tới. Ấn Độ là nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Nước này hiện có đủ lượng dự trữ và giá lúa gạo nội địa đang thấp hơn giá thu mua có trợ cấp do nhà nước ấn định. Do đó, việc dừng xuất khẩu gạo là không cần thiết. 

Những đồn đoán về khả năng Ấn Độ dừng xuất khẩu lúa gạo xuất hiện trong bối cảnh, hôm 14/5, Ấn Độ thông báo cấm xuất khẩu lúa mì sau khi có dự báo cho rằng nước này có thể xuất khẩu 10 triệu tấn mặt hàng này trong năm nay. Nắng nóng kỷ lục trong hơn 2 tháng qua đã ảnh hưởng nhiều tới năng suất của vụ thu hoạch lúa mì hiện tại ở Ấn Độ, đẩy giá thu mua trong nước lên cao chưa từng có.

Ấn Độ hiện cũng là nước tiêu thụ lúa gạo lớn thứ 2 thế giới. Xuất khẩu gạo của nước này vươn lên mức kỷ lục là 21,2 triệu tấn trong năm tài chính 2021-2022, kết thúc vào tháng Ba vừa qua. Sản lượng xuất khẩu gạo của Ấn Độ trong năm trước đó chỉ vào khoảng 17,8 triệu tấn.

Giá thu mua lúa gạo trong nước đang xuống dù xuất khẩu vẫn tăng, do Ấn Độ còn dự trữ gạo lớn. Điều này buộc Tổng công ty Lương thực Ấn Độ (FCI) phải tăng lượng thu mua dự trữ trong nước để giữ giá.

Nhận định về tình hình hiện nay, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Toàn Ấn Krishna Rao cho rằng, không cần thiết phải áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu gạo.

“Sản lượng và giá lúa mì bị ảnh hưởng bởi xung đột tại Ukraine, nhưng khu vực xung quanh biển Đen không phải là nơi sản xuất và tiêu thụ lúa gạo chính”, ông Rao nói.

Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ đã giảm trong tuần này xuống mức 350 – 354 USD/tấn, thấp nhất trong vòng 5 năm. Trong niên vụ kết thúc vào tháng 6/2022, sản lượng gạo của Ấn Độ lập kỷ lục gần 130 triệu tấn, tăng hơn 8 triệu tấn so với năm ngoái./.