Hội đồng, do chính Tổng thống al Si-si làm chủ tịch, có 8 thẩm quyền trong đó có quyền đưa ra các quyết định chiến lược quốc gia toàn diện về chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bên trong và bên ngoài; đưa ra các chính sách, kế hoạch, chương trình cho tất cả các cơ quan nhà nước liên quan trong đó có việc xác định vai trò và hành động theo thời gian biểu cụ thể.

abdel_fattah_al_sisi_wnpp.jpg
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi ngày 26/7 ban hành một sắc lệnh thành lập Hội đồng quốc gia về chống khủng bố và cực đoan. (Ảnh minh họa: Ahram Online)

Thẩm quyền thứ hai là đánh giá sự phối hợp giữa các tổ chức tôn giáo, tổ chức an ninh trong việc đưa ra các bài giảng tôn giáo, giúp xã hội hiểu rõ khái niệm tôn giáo thực sự.

Thẩm quyền thứ ba là đưa ra các kế hoạch cần thiết trong tạo việc làm trong các lĩnh vực, xây dựng các khu công nghiệp, cải thiện sự phát triển ở các khu vực dân cư nghèo. Nghiên cứu các quy định của luật về chống khủng bố bên trong và bên ngoài, cũng như sửa đổi một số luật hiện hành nhằm tăng cường cơ chế pháp lý.

Hội đồng quốc gia về chống khủng bố và cực đoan cũng sẽ tăng cường phối hợp và hợp tác giữa các cơ quan an ninh, chính trị và với các nước láng giềng đặc biệt là cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, tội phạm có tổ chức.

Hội đồng này còn có thẩm quyền đưa ra các cam kết cùng cộng đồng quốc tế chống khủng bố, chống lại các nước, tổ chức hỗ trợ khủng bố chống lại Ai Cập, đồng thời đưa ra các quy định pháp lý cần thiết đối với các kênh truyền hình thù địch phát sóng từ ngoài nước. Thực hiện giám sát các nguồn cung ứng cho khủng bố và các tổ chức khủng bố; giám sát các giao dịch tiền tệ.

Hội đồng này được thành lập trong bối cảnh Ai Cập ngày càng phải đối mặt với tình trạng tấn công khủng bố gia tăng, nhất là ở khu vực bán đảo Sinai. Tuy nhiên, các phần tử khủng bố, cực đoan cũng đã mở rộng các điểm tấn công khác trong nước, bao gồm thủ đô Cairo, trong đó mục tiêu là nhân viên cảnh sát và quân đội./.