Ngày 1/12, Tổng thống Ai Cập Mohamed Mursi kêu gọi tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 15/12 đối với bản dự thảo hiến pháp gây tranh cãi. Ông Mursi cũng kêu gọi một cuộc đối thoại quốc gia về "mối quan tâm của dân tộc".

"Chúng tôi biết rằng những thách thức rất lớn đang chờ đợi chúng ta trong tương lai, cả ở bên trong lẫn bên ngoài Ai Cập. Những người Ai Cập có khả năng phải đối mặt với điều này. Tôi một lần nữa kêu gọi chúng ta hãy cùng tiến hành một cuộc đối thoại quốc gia để bàn về những mối quan tâm của quốc gia nhằm kết thúc thời kỳ quá độ càng nhanh càng tốt để đảm bảo an ninh cho  nền dân chủ mới khai sinh của chúng ta”- ông Mursi nói.

tong-thong-ai-cap.jpg
Tổng thống Ai Cập Mohamed Mursi (Ảnh; AP)

Bất chấp lời kêu gọi của Tổng thống Mursi, hàng chục nghìn người vẫn tiến hành biểu tình tại thủ đô Cairo (Ai Cập) nhằm gây sức ép với Tổng thống Mohamed Mursi sau khi Hội đồng Lập hiến (CA) gấp rút thông qua một dự thảo hiến pháp mà phe đối lập cho là hủy hoại các quyền tự do cơ bản.

Một người biểu tình nói: “Ông Mursi phải hiểu rằng đất nước sẽ bị hủy hoại. Ông ấy đã không đoàn kết người dân Ai Cập, ông ấy đã chia rẽ người dân Ai Cập. Đất nước Ai Cập phải được coi trọng hơn hiến pháp. Đáng ra ông ấy phải là người đứng ra đoàn kết đất nước”.

Hiến pháp đã trở thành vấn đề trung tâm trong cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất ở Ai Cập kể từ khi ông Mursi lên nắm quyền hồi tháng 6/2012, gây tranh cãi giữa các lực lượng Hồi giáo với các nhóm đối lập theo phái tự do. Cuộc khủng hoảng này bùng phát khi ông Mursi ngày 22/11 ban hành sắc lệnh Tuyên bố Hiến pháp trao cho mình thêm nhiều quyền lực và quy định cơ quan tư pháp không có quyền lật lại các quyết định của Tổng thống cho tới khi một hiến pháp mới ra đời. Sắc lệnh này đã gây ra các cuộc biểu tình liên tiếp trong những ngày qua, làm ít nhất 3 người thiệt mạng và hơn 600 người bị thương. Trong một bài diễn văn trước công chúng Ai Cập tối 29/11, ông Mursi một lần nữa khẳng định lại các quyền lực mới của mình./.