Một ngày sau khi nhận quyết định bổ nhiệm, Thủ tướng lâm thời Ai Cập Beblawi ngày 10/7 đã bắt đầu các cuộc thảo luận và tham vấn về việc thành lập Chính phủ mới.

Theo các nguồn tin chính thức của Ai Cập, trong loạt cuộc tham vấn và thảo luận ngày 10/7, Thủ tướng Beblawi đã có cuộc gặp Phó Tổng thống phụ trách các vấn đề đối ngoại Mohamed El Baradei, Chủ tịch đảng Hiến pháp; ông Ziad Behaa El Din, lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội cùng đại diện nhiều lực lượng chính trị khác.

Trong một tuyên bố do báo Kim Tự Tháp dẫn lời, Thủ tướng Beblawi khẳng định, căn cứ lựa chọn các thành viên Chính phủ mới của ông không theo cơ cấu phe phái, mà căn cứ vào năng lực, trình độ, kinh nghiệm và uy tín của các ứng cử viên. Điều này đồng nghĩa với việc không phải đảng phái nào cũng có người tham gia hay đảng lớn thì sẽ có nhiều ghế hơn trong Nội các sắp tới. Tiến trình thảo luận sẽ tiếp tục được tiến hành trong ngày 11/7 và dự kiến kết thúc vào đầu tuần sau.

Về cơ cấu Chính phủ mới, nhiều nguồn tin nói rằng, Nội các trong giai đoạn chuyển giao của Ai Cập sẽ chỉ gồm 20 bộ trưởng, sau khi một số bộ đã được sáp nhập vào nhau. Các vị trí như Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Nội vụ, Bộ trưởng Du lịch, Bộ trưởng Hàng không dân dụng, nhiều khả năng sẽ được giữ nguyên như hiện  nay.

Đến thời điểm này, đảng Tự do và Công lý, nhánh chính trị của Tổ chức Anh em Hồi giáo, vẫn từ chối tham gia chính quyền mới vì cho đây là “kết quả của cuộc đảo chính quân sự lật đổ Tổng thống Mohamed Mursi”.

Ngày 10/7, các cuộc biểu tình ủng hộ ông Morsi do Tổ chức Anh em Hồi giáo phát động, vẫn tiếp tục diễn ra tại quảng trường Rabaa Eladawiya với sự tham gia của hàng ngàn người. Lãnh đạo Tổ chức Anh em Hồi giáo khẳng định, chiến dịch biểu tình sẽ chỉ kết thúc khi ông Moris được khôi phục chức Tổng thống.

Sự cự tuyệt tham gia chính quyền mới tại Ai Cập của Tổ chức Anh em Hồi giáo, được các nhà phân tích đánh giá đang là thách thức và rào cản lớn nhất trong nỗ lực hòa giải dân tộc, xây dựng chính quyền và ổn định tình hình tại Ai Cập, quốc gia vốn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn to lớn kể từ năm 2011, sau khi chính quyền của tổng thống Mubarak bị lật đổ và sự lên ngôi của Tổ chức Anh em Hồi giáo./.