Trước làn sóng chỉ trích mạnh mẽ của một số nước và tổ chức quốc tế cùng sự phản đối kịch liệt của Tổ chức Anh em Hồi giáo về việc bắt giữ người đứng đầu Anh em Hồi giáo, đại diện Chính quyền lâm thời Ai Cập hôm qua đã lên tiếng bảo vệ quyết định này và khẳng định, việc bắt giữ ông Mohamed Badea, Tổng hướng đạo Tổ chức Anh em Hồi giáo, được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật.
Phát biểu trong cuộc họp báo chung với một số lãnh đạo Mặt trận cứu quốc tại Cairo chiều 20/8, Cố vấn thông tin của Tổng thống lâm thời Ai Cập, ông Moslemani khẳng định, việc bắt giữ ông Badea hoàn toàn không mang động cơ chính trị như cáo buộc của một số nguồn tin.
Lãnh đạo tổ chức Anh em Hồi giáo Mohamed Badea đã bị bắt (Ảnh: Reuters) |
Ông Muslemani nêu rõ: "Lãnh đạo Ai Cập luôn ý thức một cách rõ ràng về các hành động bắt giữ mang động cơ chính trị. Việc bắt giữ ông Badea được thực hiện theo các quyết định của cơ quan Công tố. Chúng tôi phản đối mọi hành động bắt giữ mang động cơ chính trị, đặc biệt là trong bối cảnh nhạy cảm hiện nay".
Trong khi đó, Phó Thủ tướng lâm thời Ai Cập phụ trách các vấn đề kinh tế, ông Behaa El Din tuyên bố, cánh cửa đối thoại và thỏa hiệp vẫn rộng mở với tất cả các lực lượng chính trị trong nước.
Ông Behaa El Din khẳng định: "Mục tiêu cơ bản trong chương trình hành động của Chính phủ vẫn là ủng hộ tất cả các lực lượng trong nước, tất nhiên là những lực lượng không cầm súng chống lại Nhà nước, tham gia tiến trình chính trị. Đây là việc làm cần thiết nhằm đảm bảo hoàn thành kế hoạch lộ trình chuyển giao quyền lực".
Trước đó, sáng 20/8, lực lượng an ninh Ai Cập đã bắt giữ ông Badea cùng một số phụ tá tại một căn nhà gần quảng trường Rebaa Eladawiya, nơi từng diễn ra chiến dịch biểu tình kéo dài hơn 1 tháng của Tổ chức Anh em Hồi giáo đòi phục chức cho Tổng thống bị truất quyền Mohamed Morsi.
Theo lệnh bắt giữ của cơ quan Công tố Ai Cập, ông Badea sẽ bị tạm giữ 15 ngày để phục vụ điều tra về các cáo buộc kích động bạo lực và giết hại người biểu tình.Ngay lập tức, Tổ chức Anh em Hồi giáo đã lên án mạnh mẽ việc bắt giữ ông Badea, coi đó là sự leo thang mới của chế độ cầm quyền trong âm mưu thanh trừng nhằm vào Tổ chức Anh em Hồi giáo. Các lãnh đạo Tổ chức Anh em Hồi giáo tuyên bố, hành động bắt giữ các lãnh đạo Anh em Hồi giáo của "Chính quyền đảo chính", không thể dập tắt được làn sóng phản đối của dân chúng đang diễn ra trên khắp lãnh thổ Ai Cập.
Cùng với các tuyên bố trên, Tổ chức Anh em Hồi giáo đã phát động một số cuộc biểu tình phản đối hành động bắt giữ các lãnh đạo Anh em Hồi giáo của Chính quyền Ai Cập.
Theo nhiều nguồn tin khu vực, một số cuộc biểu tình với quy mô khá nhỏ theo lời kêu gọi của Anh em Hồi giáo, đã diễn ra tại một số tỉnh như Alexandria, Mersa Matrouh, Aswan và thủ đô Cairo. Trong đó, ít nhất 3 cuộc biểu tình đã kéo dài tới đêm qua, sau khi lệnh giới nghiêm có hiệu lực.
Tuy nhiên, cũng như các cuộc biểu tình diễn ra trong 3 ngày liên tiếp trước đó, các cuộc biểu tình hôm qua đã không dẫn tới bất kỳ hành động bạo lực nghiêm trọng nào.
Trên bình diện quốc tế, Chính quyền Mỹ ngày 20/8 tuyên bố đang cân nhắc việc cắt bớt một số khoản viện trợ dành cho Ai Cập. Trong khi đó, các nguồn tin từ Liên minh châu Âu cho biết, Liên minh châu Âu đang cố gắng thống nhất lập trường của các nước thành viên về việc ngừng xuất khẩu vũ khí và đình chỉ các khoản viện trợ dành cho Ai Cập, nhằm phản đối việc quân đội nước này trấn áp đẫm máu người biểu tình.
Trước các hành động gây sức ép liên tiếp của Mỹ và châu Âu, nhiều nhà phân tích cho rằng, Ai Cập có thể sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn mới trong giai đoạn sắp tới, đặc biệt là trong trường hợp Mỹ và châu Âu quyết định cắt bỏ viện trợ và ngừng xuất khẩu vũ khí.
Tuy nhiên, đa số các ý kiến cho rằng, áp lực của phương Tây chắc chắn không thể làm thay đổi chiến lược và kế hoạch lộ trình mà Chính quyền và quân đội Ai Cập đang theo đuổi.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Aljazeera đêm 20/8, nhà phân tích Fawaz Gerges, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông thuộc Đại học Luôn Đôn, Anh, nhận định: "Các nhà lãnh đạo Ai Cập sẽ tiếp tục theo đuổi các chiến lược nội bộ của mình. Không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Chính quyền Ai Cập sẽ khuất phục sức ép của phương Tây, vì hai lí do cơ bản sau: Thứ nhất, nhiều thế lực lớn trong khu vực, đứng đầu là Saudi Arabia, Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất, đang dành cho Ai Cập những sự trợ giúp cực kỳ quí giá. Thứ hai, giới cầm quyền Ai Cập cảm nhận được là họ đang nhận được sự hẫu thuẫn và ủng hộ rất lớn của dân chúng, cho phép họ có thể tiếp tục chiến lược thanh lọc Tổ chức Anh em Hồi giáo”./.