Người dân Ai Cập đang phải sống trong điều kiện khủng hoảng kinh tế trì trệ. Trong khi đó, bộ máy chính quyền cả hành pháp lẫn lập pháp sau nhiều biến động đang cải tổ để ổn định, cũng như đang phải gồng mình trước nhiều khó khăn và thách thức về an ninh, kinh tế cả trong ngắn hạn và trung hạn.

06_kgia.jpg
Thủ đô Cairo (Ai Cập) - Ảnh KT

Thời điểm này Ai Cập có thể nói đang ở giai đoạn khá ổn định trong vòng 6 năm qua cả về mặt tổ chức bộ máy chính quyền, an ninh và trật tự xã hội. Bởi sau 2 năm lên nắm quyền, Tổng thống Fattah el-Sisi đã đưa ra hàng loạt các quyết sách quan trọng, có tính chiến lược của quốc gia về đối nội lẫn đối ngoại.

Ông Sisi đang tích cực tổ chức lại bộ máy chính quyền. Từng là tướng lĩnh quân đội, nên ông Sisi có nhiều thuận lợi trong việc đưa ra các quyết sách về an ninh, quân sự nhằm ổn định tình hình chính trị, an ninh của đất nước. Bên cạnh đó, người đứng đầu Ai Cập cũng tích cực thực hiện chính sách đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ ngoại giao nhằm khôi phục vị thế đồng thời tăng cường kêu gọi thu hút đầu tư phục vụ phát triển kinh tế đất nước và đã đạt được những thành công nhất định.

Tuy nhiên, Ai Cập đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Về an ninh, so với 6 năm trước, tình hình Ai Cập cơ bản đã ổn định hơn nhưng những vụ tấn công nhỏ lẻ do Tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) thực hiện ở bắc bán đảo Sinai và các hoạt động khủng bố nhằm vào lực lượng quân đội và cảnh sát vẫn thường xuyên diễn ra ở các địa phương và ngay tại Cairo. Điều này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình an ninh, kinh tế của Ai Cập, đồng thời tạo tâm lý hoang mang cho người dân, lẫn khách du lịch, nhà đầu tư nước ngoài.

Trong khi đó, tình hình kinh tế Ai Cập đang rơi vào khủng hoảng trì trệ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm qua chỉ đạt 4,3% và dự kiến giảm còn 4% trong năm 2017. Tỷ lệ lạm phát hiện ở mức cao gần 16% và đang có xu hướng gia tăng mạnh do triển khai áp dụng thuế VAT và thả nổi tỷ giá hối đoái. Tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục gia tăng lên gần 13%. Thâm hụt ngân sách ở mức cao 12,2% GDP (tương ứng 38,6 tỷ USD).

Đặc biệt với việc thả nổi đồng nội tệ, đã làm cho hầu hết các mặt hàng tăng giá gấp 1,5 đến 2 lần so với trước tháng 11 năm ngoái. Cùng với đó, chính phủ Ai Cập tiếp tục cắt giảm trợ cấp đối với một số mặt hàng tiêu dùng quan trọng dẫn đến tình hình đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn.

Phần lớn số công chức nhà nước, nhất là khối giáo viên lâm vào tình trạng không đảm bảo mức sống. Một số đánh giá của các tổ chức quốc tế cho rằng tầng lớp có thu nhập trung bình của Ai Cập đang bị thu hẹp đáng kể. Đây là một điều đáng lo ngại vì lực lượng chống chính phủ sẽ nhân cơ hội này kích động dân chúng, làm mất ổn định chính trị. Do đó, bài toán kinh tế, nhất là mức sống của người dân cần sớm được nâng lên. Đây cũng là một khó khăn đối chính quyền Ai Cập cả trong ngắn hạn và trung hạn.

Thực tế, chính quyền Ai Cập biết rõ những khó khăn này và đang nỗ lực giải quyết. Tuy nhiên, mọi vấn đề từ an ninh tới kinh tế, xã hội, giáo dục, việc làm… không thể một sớm một chiều được giải quyết. Trong thời gian qua, Ai Cập đã thúc đẩy mạnh mẽ cải cách kinh tế mang tính "sống còn" với ba trọng tâm là thúc đẩy đầu tư khu vực kinh tế tư nhân, tái cơ cấu chi tiêu ngân sách để giảm thâm hụt với trọng tâm cắt giảm trợ cấp và thay đổi chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, các giải pháp này vẫn chưa mang lại kết quả.

6 năm qua là quãng thời gian không phải là ngắn, nhưng cũng không phải là quá dài, hơn ai hết người dân Ai Cập hiểu rõ họ đã được gì và mất gì sau “Cách mạng mùa xuân Arab”, thấy được giá trị thực sự của một đất nước ổn định, không chiến tranh, không nội chiến. Và dường như họ cũng hiểu rõ những hệ quả của quá khứ là các bài toán vô cùng khó cho chính quyền mới mà không thể giải quyết ngay được. Cùng xây dựng một đất nước ổn định, phát triển và có vị thế trong khu vực là điều mà họ đang nỗ lực để có một mùa xuân trọn vẹn./.