Afghanistan đang chứng kiến một làn sóng tấn công mới của Taliban diễn ra vào thời điểm chính phủ Afghanistan đang thúc đẩy các nỗ lực đối thoại hòa bình với nhóm vũ trang này thông qua sự hỗ trợ của Pakistan.
Theo giới quan sát, làn sóng tấn công của Taliban gần đây cho thấy sự lớn mạnh của nhóm vũ trang này trong một năm qua, kể từ khi phái bộ nước ngoài chấm dứt nhiệm vụ tham chiến tại quốc gia Nam Á này, cũng như khả năng Taliban đang muốn phô trương thanh thế nhằm giành lợi thế trên bàn đàm phán.
Lực lượng Taliban tại Afghanistan. (ảnh: Reuters). |
Lực lượng Taliban tại Afghanistan mới đây lên tiếng nhận trách nhiệm về hàng loạt vụ tấn công gây nhiều thương vong, bao gồm một nhà hàng Pháp trong ngày đầu năm mới, một nhà nghỉ của Đại sứ quán Tây Ban Nha tại Kabul, một vụ đánh bom liều chết gần căn cứ không quân Bagram khiến 6 binh sĩ Mỹ thiệt mạng…
Các vụ tấn công mới nhất này diễn ra trong bối cảnh chính phủ Afghanistan đang thúc đẩy những nỗ lực tái khởi động các cuộc đối thoại hòa bình với Taliban. Người phát ngôn Bộ ngoại giao Pakistan Qazi Khalilullah thông báo, các cuộc đối thoại 4 bên về tái khởi động hòa bình với Taliban tại Afghanistan sẽ diễn ra vào cuối tháng này tại Islamabat.
Ông Qazi Khalilullah cho biết: “Các cuộc tham vấn đang diễn ra để tổ chức cuộc gặp đầu tiên của nhóm bộ tứ phối hợp tại Islamabat vào nửa cuối tháng 1. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục tham vấn với Afghanistan, Trung Quốc và Mỹ về thành phần tham dự cũng như chương trình nghị sự. Hòa bình và an ninh cũng như các vấn đề liên quan là một trong những vấn đề được thảo luận trong cuộc đối thoại”.
Pakistan từng tổ chức một vòng đàm phán hồi tháng 7 năm 2015, nhưng các cuộc đàm phán đã lâm vào bế tắc do thông tin về cái chết của thủ lĩnh Taliban Mullah Omar. Afghanistan coi sự ủng hộ của Pakistan là hết sức quan trọng để đưa Taliban vào bàn đàm phán. Bất chấp sự hậu thuẫn đắc lực của Pakistan trong các cuộc đàm phán, các chuyên gia phân tích vẫn khá thận trọng với kết quả các cuộc đối thoại.
Các nhà quan sát cho rằng, chiến dịch tấn công gia tăng của Taliban gần đây như là một sự thách thức, phô trương thanh thế nhằm đạt được sự nhượng bộ lớn hơn trên bàn đàm phán.
Tuy nhiên trong một tuyên bố thể hiện rõ lập trường cứng rắn của mình, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani khẳng định, các nước sẽ không dung thứ cho những hành động khủng bố: “Cuộc họp sẽ có sự tham dự của đại diện 4 nước với mục tiêu là tìm ra một lộ trình cho hòa bình lâu dài. Vấn đề quan trọng ở đây đó là lựa chọn: Lựa chọn hòa bình hay khủng bố. Không có sự lựa chọn thứ 2. Bước đi này được đưa ra trong khuôn khổ nghị định khung hợp tác 4 bên và các nước sẽ không dung thứ cho chủ nghĩa khủng bố”.
Mặc dù vậy cũng không thể phủ nhận sự lớn mạnh của Taliban trong vòng một năm qua kể từ khi phái bộ của Mỹ và NATO tại Afghanistan thay đổi sứ mệnh từ tham chiến sang thành hỗ trợ, đào tạo cho lực lượng địa phương đối phó với Taliban và các nhóm vũ trang khác.
Taliban gần đây bắt đầu có các bước đi mở rộng hoạt động, bao gồm việc thực hiện hàng loạt vụ tấn công và kiểm soát được thành phố phía bắc Kunduz trong một thời gian ngắn.
Cựu quan chức của Cơ quan tình báo trung ương Mỹ Michael Morell dự đoán, Afghanistan sẽ lại nổi lên là một thách thức ngoại giao lớn trong năm 2016, khi Taliban đang lấy dần lại lợi thế của mình. Chỉ trong 1 năm qua, nhóm này đã kiểm soát được khu vực lãnh thổ lớn hơn nhiều so với nhiều năm trước.
Theo ông Morell, những diễn biến tại Afghanistan sẽ tiếp tục làm đau đầu người Mỹ cũng như các nước thành viên NATO khác về việc sẽ giữ lại bao nhiêu binh lính nước ngoài để đảm bảo an ninh tại Afghanistan.
Tổng thống Mỹ Barack Obama tháng 10 vừa qua thông báo, khoảng 9 nghìn 800 binh lính Mỹ sẽ ở lại Afghanistan cho đến cuối năm 2016. Tuy nhiên, Tư lệnh liên quân Mỹ và NATO ở Afghanistan Tướng John Campbell mới đây thừa nhận, tình hình an ninh Afghanistan đang xấu đi trong nửa cuối năm 2015.
Ông Campbell cho biết sẽ đề nghị chính quyền của Tổng thống Obama giữ lính Mỹ tại Afghanistan lâu nhất có thể và khả năng đề nghị tăng thêm số lượng binh lính Mỹ tại quốc gia Nam Á này./.