Đạt được nhiều thành tựu quan trọng
Ra đời vào ngày 24/10/1945 sau khi Thế chiến II kết thúc, trải qua 75 năm hình thành và phát triển, Liên Hợp Quốc luôn giữ vai trò hàng đầu trong ngăn ngừa, giải quyết các cuộc xung đột; đẩy lùi nguy cơ chiến tranh; duy trì hòa bình; xây dựng một thế giới phát triển và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, trước những thách thức của một thế giới vận động nhanh, phức tạp và khó lường, Liên Hợp Quốc cũng cần phải đẩy nhanh tiến trình cải tổ một cách toàn diện, cân bằng, minh bạch, bình đẳng và đáp ứng lợi ích của các nước thành viên.
Từ 51 quốc gia thành viên khi được thành lập, LHQ hiện có 193 quốc gia thành viên và trở thành một hệ thống toàn diện gồm 6 cơ quan chính, nhiều cơ quan phụ trợ, 20 tổ chức chuyên môn và 5 Ủy ban kinh tế - xã hội, hàng chục quỹ và chương trình …, hoạt động trên tất cả các lĩnh vực từ giải quyết và ngăn ngừa xung đột, giải trừ quân bị, chống khủng bố, bảo vệ người tỵ nạn, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, cho đến thúc đẩy dân chủ, nhân quyền, bình đẳng giới, phát triển kinh tế và xã hội…
Trong lĩnh vực hòa bình và an ninh quốc tế, đóng góp lớn nhất của LHQ là đã góp phần ngăn chặn một cuộc chiến tranh thế giới mới, hỗ trợ giải quyết nhiều cuộc xung đột và tranh chấp quốc tế. Từ khi thành lập, LHQ đã triển khai tổng cộng 71 phái bộ gìn giữ hòa bình để giúp chấm dứt xung đột, khôi phục hòa bình, hỗ trợ công cuộc tái thiết ở nhiều quốc gia thành viên.
Trong lĩnh vực phát triển, LHQ đã đề ra các chiến lược, chương trình hành động để nâng cao đời sống của người dân và tạo điều kiện thuận lợi cho những tiến bộ về kinh tế và xã hội trên toàn thế giới. Trong đó phải kể đến Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ nhằm xóa bỏ đói nghèo, thúc đẩy giáo dục, bình đẳng giới, giảm tỷ lệ tử vong trẻ em, cải thiện sức khỏe bà mẹ, phòng chống HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm khác, bảo đảm bền vững về môi trường và tăng cường quan hệ đối tác phát triển. Sau đó là Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) có tính bao trùm và toàn diện, lấy phát triển bền vững là định hướng xuyên suốt gồm ba trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường.
Trong lĩnh vực bảo đảm và thúc đẩy quyền con người, LHQ cũng chú trọng việc bảo đảm thực hiện những quyền cơ bản này của người dân trên toàn thế giới. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, vấn đề quyền con người vẫn bị chính trị hóa, lợi dụng để can thiệp công việc nội bộ của các quốc gia.
Trong lĩnh vực tăng cường luật pháp quốc tế, LHQ đã có những đóng góp to lớn trong việc pháp điển hóa và phát triển luật pháp quốc tế, đưa ra khuyến nghị định hướng cho các chủ đề của luật pháp quốc tế và xây dựng chuẩn mực cho các lĩnh vực chuyên môn khác nhau.
Đáng chú ý, từ khi thành lập đến nay, LHQ và các quỹ, chương trình, cơ quan, cá nhân của tổ chức này... đã sở hữu nhiều Giải thưởng Nobel Hòa bình. Mới nhất, năm nay, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) đã vinh dự nhận về giải thưởng ý nghĩa này.
Với những thành tựu quan trọng đã đạt được, LHQ đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận là tổ chức toàn cầu có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống chính trị quốc tế và là nền tảng không thể thiếu cho một thế giới hòa bình, thịnh vượng và công bằng hơn.
Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 75 Voncan Bozkir khẳng định: “Không có tổ chức toàn cầu nào có tính hợp pháp và ảnh hưởng cũng như mang lại hy vọng cho mọi người về một thế giới tốt đẹp hơn như Liên Hợp Quốc”.
Tự hào về sự lớn mạnh của Liên Hợp Quốc cũng như sự đóng góp của Việt Nam cho tổ chức lớn nhất hành tinh này, Thủ tướng chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh:
“Sau 75 năm, thế giới đã không phải chứng kiến thêm một cuộc chiến tranh thế giới mới. Hòa bình, hợp tác hữu nghị được vun đắp; đói nghèo, bệnh tật được đẩy lùi; cuộc sống của nhân loại được đổi thay. Những thành quả to lớn đó không thể có được nếu không dựa trên những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc, không thể đạt được nếu không có Liên Hợp Quốc - trung tâm điều phối hành động chung của các quốc gia”.
Nhân dân Việt Nam quyết tâm cùng tất cả các dân tộc trên thế giới gìn giữ hòa bình, thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển bền vững 2030 và lá cờ Việt Nam sẽ tung bay tại thêm nhiều Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc trên toàn cầu”.
Những thách thức từ một thế giới vận động không ngừng
Tuy nhiên, Liên Hợp Quốc cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức của một thế giới vận động nhanh, phức tạp và khó lường.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres thừa nhận: “Bất bình đẳng giới vẫn là thách thức lớn nhất đối với quyền con người trên toàn thế giới. Thảm họa khí hậu đang ập đến. Đa dạng sinh học đang suy sụp. Nghèo đói lại gia tăng. Hận thù có nguy cơ lan rộng. Căng thẳng địa chính trị đang leo thang. Vũ khí hạt nhân vẫn nằm trong tình trạng nguy hiểm. Thêm vào đó, đại dịch Covid-19 cũng đã đặt ra những yếu tố mong manh của thế giới. Thế giới chỉ có thể giải quyết chúng khi chúng ta hợp tác cùng nhau”.
Ngoài việc thúc đẩy sự đoàn kết, hợp tác giữa các quốc gia trên thế giới, trong bối cảnh hiện nay, LHQ cũng cần phải tích cực đẩy nhanh tiến trình cải tổ một cách toàn diện, cân bằng, minh bạch, bình đẳng và đáp ứng lợi ích của các nước thành viên. Đây cũng là nhận định của nhiều lãnh đạo thế giới đưa ra trong những năm gần đây.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết: “Chúng ta không thể chống lại những thách thức ngày nay bằng những cấu trúc lỗi thời. Nếu không có những cải cách toàn diện, LHQ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng niềm tin. Chúng ta cần một chủ nghĩa đa phương được cải cách phản ánh thực tế ngày nay, đưa ra tiếng nói cho tất cả các bên liên quan, giải quyết những thách thức đương đại và tập trung vào phúc lợi con người”.
Đã có nhiều nước thành viên LHQ, đặc biệt là Nhật Bản, Brazil, Đức và Ấn Độ cho rằng, Hội đồng Bảo an LHQ cần phải cải tổ sớm và số ghế thành viên thường trực cần phải tăng lên. Dù các cuộc đàm phán về vấn đề này đã bắt đầu từ năm 2009, song đến nay Liên Hợp Quốc vẫn chưa đạt được nhiều tiến bộ, khi sự khác biệt giữa các quốc gia thành viên về việc mở rộng thành viên thường trực và quyền phủ quyết vẫn khá rõ ràng.
Thực tế, cải cách Liên Hợp Quốc cần dựa trên sự đồng thuận và được thực hiện tuần tự từng bước, thận trọng và phản ánh thực tại của sự thay đổi quyền lực quốc tế, đặc biệt là mong muốn của các nước mới nổi dưới tiền đề không lãng quên lịch sử. Và tất cả những điều này không nên trì hoãn lâu hơn nữa, trước khi những thành tựu mà LHQ gây dựng trong suốt 75 năm qua đang dần dần bị hủy hoại./.