Điều này làm dấy lên lo ngại về khả năng miễn dịch bền vững sau khi con người đã có kháng thể do từng nhiễm bệnh hoặc do tiêm chủng vaccine. Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dịch tễ học và Nhiễm trùng, dựa trên kết quả điều tra 1 nghìn 300 người. Đây là hoạt động nhằm tìm ra nhận thức mới về dịch tễ học của việc tái lây nhiễm cũng như đánh giá tình hình tại Ấn Độ.
Theo định nghĩa của các nhà khoa học, tái nhiễm bệnh là việc một cá nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 trong 2 lần xét nghiệm riêng biệt trong ít nhất 102 ngày, với một lần xét nghiệm âm tính ở giữa.
Kết luận của báo cáo cho rằng, tình hình tái lây nhiễm virus là đáng lo ngại bởi dữ liệu được thu thập chỉ trong vòng 8 tháng (từ 22/1-7/10/2020). Thực tế tỉ lệ này còn cao hơn nhiều. Tiến sĩ Samiran Panda, một trong các tác giả của nghiên cứu cho biết, điều đó lý giải tại sao điều quan trọng là mọi người phải áp dụng các biện pháp bảo vệ, cho dù đã từng bị lây nhiễm hay tiêm vaccine.
Nghiên cứu được đưa ra trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai đang bùng phát tại Ấn Độ. Các chuyên gia về y tế công cộng lo ngại, đợt dịch mới này có thể còn tồi tệ hơn lần lây nhiễm đầu tiên, bất chấp chiến dịch tiêm chủng vaccine vẫn đang diễn ra tại Ấn Độ. Các tác giả khuyến cao người dân vẫn phải duy trì các biện pháp phòng bệnh như giữ khoảng cách, vệ sinh tay và sử dụng khẩu trang kể cả sau khi đã khỏi bệnh, bởi kiến thức về tái lây nhiễm và miễn dịch với Covid-19 vẫn chưa thực sự đầy đủ.
Ủy ban Khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cho rằng tác dụng của vaccine trong việc giảm lây nhiễm vẫn chưa hoàn toàn chắc chắn. Không có vaccine nào hiệu quả 100%. Các loại vaccine hiện tại có thể làm giảm các trường hợp Covid-19 có triệu chứng, và làm giảm các trường hợp nặng cần nhập viện. Tuy nhiên, với các trường hợp không có triệu chứng, việc lây nhiễm vẫn có thể xảy ra./.