Báo Sputnik của Nga ngày 20/3 đăng bình luận cho rằng chính sách đối ngoại của ông Trump đang lẫn lộn giữa quan điểm cũ và mới, kết hợp với nhiều điểm vay mượn.
RIA Novosti thì dẫn lời nhà bình luận Grigory Dubovitsky nhận định rằng Nhà Trắng “hầu như đã thất bại” trong việc thực hiện cam kết đánh bại các nhóm khủng bố ở Trung Đông và thiết lập mối quan hệ hợp tác với Nga.
Ông Trump bị cho là quá bận rộn với các vấn đề nội bộ của Mỹ nên chưa đưa ra được một đường lối đối ngoại mạch lạc. Ảnh: EPA. |
Đội ngũ của Tổng thống Trump đã đúc kết học thuyết chính sách đối ngoại của ông trong vài đoạn văn ngắn, trong đó cam kết tập trung vào những lợi ích của Mỹ và an ninh quốc gia của Mỹ bằng việc áp dụng cách tiếp cận hòa bình thông qua sức mạnh và đường lối ngoại giao nhằm xây dựng “một thế giới hòa bình và thịnh vượng hơn” mà ở đó một nước Mỹ được trẻ hóa sẽ trở nên “mạnh mẽ và được tôn trọng hơn”.
Chiến lược này đề cập 2 vấn đề cụ thể đòi hỏi sự lưu tâm tức thì của Washington, cụ thể là vấn đề chống khủng bố và tăng cường hiện diện quân sự toàn cầu.
Tổng thống Trump đã nhiều lần tuyên bố rằng cuộc chiến chống các tổ chức khủng bố như Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hay mạng lưới khủng bố al-Qaeda là ưu tiên hàng đầu của ông.
Tổng thống Mỹ cho rằng một chiến lược chống khủng bố hiệu quả có thể bao gồm việc hợp tác với các bên để tiến hành các chiến dịch quân sự, cắt đứt tài chính cho hoạt động khủng bố và mở rộng việc chia sẻ thông tin tình báo.
Nga đã được nêu ra như là một đối tác khả thi để thực hiện những nỗ lực đó, phương án mà Moscow cũng luôn sẵn sàng để ngỏ.
Muốn cải thiện quan hệ với Nga, ông Trump nói mà chưa làm
Thế nhưng hợp tác giữa liên quân do Mỹ dẫn đầu và không quân Nga hiện còn khá hạn chế trong khi những tuyên bố hùng hồn và cứng rắn từ một số quan chức cấp cao trong chính quyền của ông Trump đối với Nga không góp phần cải thiện quan hệ song phương vốn đóng băng sau những bất đồng liên quan đến cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine.
“Cũng có những hy vọng rằng một cách tiếp cận mới trong quan hệ Nga – Mỹ sẽ hình thành từ cuộc gặp giữa Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Donald Trump nhưng cuộc gặp đó nhiều khả năng không thể diễn ra trước Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hamburg (Đức) đầu tháng 7 tới” – nhà bình luận chính trị Nga Grigory Dubovitsky nhận định.
Theo ông, giới phân tích hiện chỉ có thể dựa vào thực tế duy nhất rằng cuộc điện đàm giữa 2 nhà lãnh đạo Nga – Mỹ sau lễ nhậm chức của ông Trump 2 tháng trước là tín hiệu khá tích cực. Tuy nhiên, từ đó tới nay chưa có tín hiệu mới nào cho thấy Washington tiếp tục cam kết với việc phát triển mối quan hệ với Moscow.
Chính sách đối ngoại lẫn lộn cũ – mới
Đáng lo ngại hơn, báo chí Nga cho rằng, Nhà Trắng dường như đang điều chỉnh lại lập trường về Ukraine và Crimea, khiến cho nó gần giống với lập trường của chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama hơn.
Cụ thể, giữa tháng 2 vừa qua, người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer cho biết ông Trump kỳ vọng Nga trả lại bán đảo vùng Biển Đen cho chính quyền ở Kiev.
Bình luận này đưa ra sau khi Đặc phái viên của Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley tái khẳng định rằng Washington không có ý định dỡ bỏ trừng phạt chống lại Nga chừng nào Moscow chưa hoàn lại nguyên trạng bán đảo Crimea.
Để các vấn đề nội bộ “lái” chính sách đối ngoại
Một số quan chức ở Washington đang ráo riết truy vết mối liên hệ giữa Nga với cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Bản thân Tổng thống Trump cũng miêu tả đây là “một cuộc săn lùng phù thủy” đối với những thành viên trong đội của ông có liên hệ với Nga. Và Cố vấn an ninh quốc gia đầu tiên của Tổng thống Trump, ông Michael T. Flynn, đã bị buộc phải từ chức vì mối liên hệ mập mờ đó.
Giới phân tích Nga cho rằng, trong tình huống này, sẽ khó có thể trông mong vào một sự chuyển đổi sang mối quan hệ hợp tác mang tính xây dựng gữa 2 nước trong hàng loạt vấn đề.
Phía Nga cho rằng họ đã thể hiện sự cảm thông tối đa đối với chính quyền mới ở Mỹ khi phải đối mặt với những thách thức này song cũng không giấu diếm nỗi thất vọng trước những lời hùng biện chống lại Moscow phát đi từ Washington.
Không sớm có thay đổi trong cuộc chiến chống IS
Tổng thống Trump vốn chỉ trích cách tiếp cận của người tiền nhiệm Barack Obama trong cuộc chiến chống IS và chủ nghĩa khủng bố toàn cầu. Nhà Trắng đã cam kết sẽ đưa ra một chiến lược hủy diệt nhóm phiến quân vẫn đang hoành hành ở Trung Đông này song chưa có một chi tiết cụ thể nào được đưa ra.Chiến lược chống IS của Tổng thống Trump: Bản sao từ ông Obama?
Nhà phân tích Dubovitsky dự đoán Mỹ chưa thể tạo sự thay đổi trong tương lai gần. Khi nhắc tới những hoạt động ở Trung Đông, chính quyền của ông Trump mới chỉ đưa ra 2 quyết định.
Ông nêu rõ: “Lần đầu tiên trong nhiều năm, lực lượng đặc nhiệm của Mỹ tiến hành một chiến dịch trên bộ chống al-Qaeda ở Yemen. Một binh sỹ Mỹ thiệt mạng và 3 người khác bị thương trong cuộc truy quét đã cướp đi sinh mạng của nhiều dân thường địa phương. Thế nhưng Washington vẫn tuyên bố đó là một chiến dịch thành công vì họ đã có thể lấy được dữ liệu tình báo và tiêu diệt được vài nhà lãnh đạo al-Qaeda”.
Nhà phân tích này cũng đề cập việc chính quyền Mỹ quyết định triển khai thêm 400 quân tới Syria để giúp giải phóng Raqqa, thành trì của IS tại đây.
Nhưng theo ông Dubovitsky, quyết định này “chủ yếu chỉ là tiếp tục chiến lược thận trọng của ông Obama” bởi cựu Tổng thống Mỹ phản đối các chiến dịch trên bộ ở Trung Đông nhưng lại buộc phải cử đội đặc nhiệm đến Syria và Iraq.
Thêm vào đó, chính quyền mới ở Mỹ cũng chưa thể giải quyết những khác biệt giữa các đồng minh ở Syria, người Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd ở khu vực.
Ông Dubovitsky tạm kết luận rằng suốt 2 tháng qua Tổng thống Donald Trump “bận rộn vì việc giải quyết các vấn đề nội bộ của Mỹ hơn”.
Theo ông, với việc liên tiếp vấp phải những cản trở từ một số nghị sỹ và nhánh tư pháp liên quan tới sắc lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân một số nước Trung Đông và Bắc Phi, ông Trump sẽ càng khó đạt được bất cứ đột phá nào trong việc giải quyết những thách thức mà nước Mỹ đối mặt nhiều năm qua./.