Khả năng truyền cảm hứng

Đúng 15 năm trước, ngày 9/8/1999, Tổng thống Nga Boris Yeltsin tuyên bố bổ nhiệm Thư ký Hội đồng An ninh và Giám đốc Cơ quan An ninh liên bang Vladimir Putin, 47 tuổi, làm Thủ tướng và ủng hộ ông ứng cử Tổng thống Nga trong cuộc bầu cử tháng 5/2000, cái tên Putin dường như không mang lại xúc cảm nào với người Nga.

 vladimir_putin_grand_krem_008_oqlp.jpgNhờ đâu hơn 10 năm qua, người Nga vẫn bền bỉ dành trọn tình yêu và niềm tin cho chỉ một con người? (ảnh: dailykos.com)

Chưa đến 2% người dân Nga – những người đang chán chường, mất niềm tin trong một đất nước chìm sâu trong khủng hoảng kinh tế, bị xâu xé bởi các nhà tài phiệt và sở hữu vị thế èo uột trên trường quốc tế - đặt niềm tin vào nguyên thủ trẻ tuổi.

Nhưng chỉ 3 năm sau, khi ngài Tổng thống thực hiện chính sách cứng rắn trong vụ bắt cóc con tin tại nhà hát Moscơ, uy tín của Putin đã tăng lên tới 83%. Và từ đó đến nay, tỷ lệ ủng hộ ông chủ điện Kremlin luôn dao động ở mức 60 – 70% - một con số trong mơ đối với các nhà lãnh đạo phương Tây.

Nhờ đâu hơn 10 năm qua, người Nga vẫn bền bỉ dành trọn tình yêu và niềm tin cho chỉ một con người? Các cuộc thăm dò ý kiến đều mang đến cùng một câu trả lời: Vì Putin đã lấy lại lòng tự hào cho người Nga, vị thế không tầm thường của nước Nga, truyền đến cho họ cảm hứng sống có lý tưởng, yêu nước một cách nhiệt thành và kiên định.

Đã không chỉ một lần người đứng đầu nước Nga thổ lộ: “Tôi luôn cảm thấy mình là một phần của nước Nga. Tất cả chúng ta đều yêu đất nước nhưng tôi thực sự cảm thấy mình là một phần của nhân dân và tôi không thể tưởng tượng được cuộc sống dù chỉ một giây mà không có nước Nga”. Và “Nếu muốn giữ bản sắc, cần nuôi dưỡng lòng yêu nước. Nếu không, đất nước này sẽ không thể tồn tại, sẽ sụp đổ từ bên trong”.

Từ cảm hứng ấy, Putin, bằng sự tự tin, quyết đoán hơn người, đã thuyết phục cho người dân Nga thấy rằng ông – người đứng đầu nước Nga – luôn hành động vì đất nước Nga, luôn đặt quốc gia lên trên hết. Chỉ câu chuyện ông kiên quyết giữ vững lập trường sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga, bất chấp những phản ứng dữ dội của phương Tây cũng đủ để người Nga thấy rõ điều đó.

 Bằng sự tự tin, quyết đoán hơn người, Tổng thống Putin đã thuyết phục cho người dân Nga thấy rằng ông luôn hành động vì đất nước (ảnh: vineyardsaker.blogspot.com)

Ai cũng biết, Crimea với người Nga, đất nước Nga đã là một cái gì đó quá đặc biệt. Trong trí tưởng tượng của người dân Nga, đây là nơi của lòng tự hào và vinh quang dân tộc. Quân đội Sa hoàng đã chiến đấu với quân Anh, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ tại đây vào thế kỷ 19.

Những người lính Xô Viết cũng đã cầm chân người Đức – 250 ngày trong cuộc bao vây Sevastopol vào năm 1941 và 1942. Vì thế, sáp nhập Crimea vào Nga, thực tế với người Nga, đó là việc đưa Crimea trở về với “mái nhà Nga”. Putin đã làm được cho họ điều mong mỏi ấy và như thế, những người dân Nga đã “tự hào và hãnh diện về Tổng thống Putin”.

Trên hết, người dân Nga nhận ra rằng: “Trong một thời gian dài, không biết đất nước đang ở đâu và sẽ đi đến đâu. Bây giờ niềm tin mới vào đất nước đã xuất hiện”. Và bởi được người dân Nga thực sự yêu mến và tin tưởng đến vậy, nên trong bão táp của nền kinh tế, đồng ruble lao dốc một cách kỷ lục, người dân Nga vẫn không đổ lỗi cho Tổng thống Putin.

Họ tin vào những gì Tổng thống đã gửi gắm trong thông điệp Liên bang 2014: “Chúng ta sẵn sàng đối đầu với bất kỳ thách thức nào trong mọi hoàn cảnh và sẽ chiến thắng”. Đúng như thư ký báo chí của Tổng thống Putin – ông Dmitry Peskov – từng nói, “tình yêu của người dân Nga dành cho Tổng thống Putin là minh chứng cho tình yêu của họ đối với đất nước Nga” và “bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào Putin cũng là nhằm vào nước Nga”.

Hiện tượng văn hóa đại chúng

Mạng xã hội Nga những ngày dầu tháng 12/2014 lên cơn sốt với đoạn video quảng bá cho dự án phim Iron Sky (Bầu trời thép – bộ phim về “người đàn ông thép” – Tổng thống Nga Vladimir Putin. Lý giải về sức hút đặc biệt của đoạn video, những người thực hiện dự án – các nhà làm phim Phần Lan – Australia cho biết, trong Iron Sky, người đứng đầu nước Nga được khắc họa không chỉ là một chính trị gia nổi tiếng mà còn như một hiện tượng văn hóa đại chúng nổi bật.

“Hiện tượng văn hóa đại chúng Putin”, theo những người thực hiện Iron Sky, nằm ngay ở một chính khách Putin vừa gần gũi, vừa bình dị, vừa có sức hút lớn trong cuộc sống đời thường.

Dư luận Nga và thế giới cũng từng nhiều lần trầm trồ trước hình ảnh ông chủ điện Kremlin đa tài, lúc trong bộ đồ võ Judo với đai đen, lúc vùng vẫy trên sông nước vùng Tuva lạnh giá của miền Nam Siberia, cởi trần cưỡi ngựa đi săn, lúc lái máy bay chiến đấu, bắn cọp, cá voi, lặn xuống hồ sâu nhất thế giới, rồi một Putin vừa chơi piano vừa ngân nga những bản tình ca Nga…

Tổng thống Nga Putin trên sông nước vùng Tuva của miền Nam Siberia (ảnh: AFP)

Tuy nhiên, điều khiến các cử tri Nga ngưỡng mộ, mê đắm hơn ở Putin là việc họ thấy rõ Tổng thống của họ không dùng cái sự đa tài của mình để làm… màu mà “áp” nó vào những hành động thiết thực, giàu ý nghĩa.

Truyền thông Nga từng “sôi lên sùng sục” trước hình ảnh người đàn ông quyền lực nhất nước Nga đích thân lái máy bay dập tắt dám cháy rừng ở Ryazan ngày 11/8/2010 hay trực tiếp lái chiếc Lada Kalina màu vàng đi xuyên Nga để thử chất lượng tuyến đường cao tốc từ Khabarovsk tới Chita mới hoàn thành và đi vào hoạt động đồng thời nhằm quảng bá cho ngành công nghiệp ô tô nội địa của Nga…

Chính những sức hút từ “hiện tượng văn hóa đại chúng Putin” đã khiến 15 năm trên vũ đài chính trị là 15 năm Putin tỏa ra sức hút đầy ma lực đối với công chúng, khiến ông trở thành một trong những chính trị gia giàu sức ảnh hưởng nhất, được nhiều người biết tới nhất, quan tâm nhất./.