Theo chính phủ Iran, nếu được thực thi, đây sẽ là một sự vi phạm nghiêm trọng thỏa thuận hạt nhân đạt được hồi tháng 7 vừa qua giữa Iran và các cường quốc thế giới. 

156661d1b09c84_img_kilx.jpg
Một cơ sở hạt nhân của Iran. (ảnh: AP).

Chính phủ Iran ngày 23/12 tiếp tục đưa ra phản ứng trước những hạn chế mà Quốc hội Mỹ thông qua mới đây liên quan tới chương trình miễn thị thực cho công dân 38 nước khi tới Mỹ. Theo đó, công dân của những nước liên quan, trong đó phần lớn là công dân châu Âu, những người mang hai quốc tịch đến từ Iran, Iraq, Syria hay Sudan sẽ phải xin thị thực để có thể vào lãnh thổ Mỹ. 

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Tehran, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif tuyên bố, nếu được thực thi đúng như những gì đã được bỏ phiếu tại Quốc hội Mỹ, luật này  sẽ vi phạm thỏa thuận hạt nhân mà Iran và cường quốc thế giới đạt được hồi tháng 7 sau hơn 1 thập kỷ đàm phán.

Thỏa thuận này có hiệu lực vào giữa tháng 1 năm tới, yêu cầu Iran phải từ bỏ các chương trình hạt nhân nhạy cảm để nhận được sự nới lỏng các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Chính phủ của Tổng thống Iran Hassan Rouhani kỳ vọng có thể chứng kiến chỉ số tín nhiệm tăng cao nhờ vào tác động của thỏa thuận này đối với nền kinh tế đất nước sau nhiều năm chịu cấm vận. Điều này cũng giúp ông gia tăng lợi thế trong cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào 26/2 năm tới.

Trong phát biểu mới đây nhằm trấn an người dân, cũng như làm dịu chỉ trích của các đảng bảo thủ, Tổng thống Iran Hassan Rouhani một lần nữa khẳng định: “Tất cả đã sẵn sàng cho việc thực thi thỏa thuận “Kế hoạch hành động toàn diện chung”. 

Phía bên kia đã tiến hành một số bước đi lớn và đổi lại nước Cộng hòa Hồi giáo Iran cũng đã có những bước đi nhất định. Những bước đi quan trọng tiếp theo sẽ được thực hiện để đảm bảo việc thực thi thỏa thuận”. 

Các đảng phái theo đường lối bảo thủ tại Iran lâu nay vẫn chỉ trích chính sách ngoại giao của Tổng thống Rouhani và quy định mới của Mỹ là "cơ hội tốt nhất" để họ chứng minh rằng, “người Mỹ sẽ không bao giờ giữ lời hứa”.

Trên thực tế, những hạn chế này một khi được thông qua thì có thể coi là khá hà khắc đối với nền kinh tế Iran. Điểm khiến Iran đặc biệt lo ngại là những hạn chế này sẽ gây tác động tới tâm lý các nhà đầu tư châu Âu sau khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ.

Tại cuộc họp báo ngày 23/12, Ngoại trưởng Iran Zarif đã cố gắng trấn an các nhà đầu tư khi giải thích rằng, những hành động phù hợp liên quan tới vấn đề này sẽ được Bộ Ngoại giao Iran tiến hành.

Ông Zarif cũng cho biết thêm đã nêu vấn đề này với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại một cuộc họp ở New York, Mỹ trong tháng này, cũng như trong một số thư điện tử trao đổi giữa hai bên 10 ngày qua. Ngày 27/12 tới, ông Zarif sẽ phải trả lời chất vấn trước Quốc hội về vấn đề này./.