Sáng 25/12, Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề “Việc thực hiện Luật MTTQ Việt Nam trên địa bàn thành phố Hà Nội".

mttq_tr_hedt.jpg
Tiếp xúc cử tri về chuyên đề thực hiện Luật MTTQ Việt Nam
Tại hội nghị, các đại biểu nêu ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật MTTQ Việt Nam, kiến nghị về vai trò, trách nhiệm của MTTQ trong việc đảm bảo vai trò, lợi ích chính đáng của nhân dân, làm rõ nhận thức của các cấp, các ngành về Mặt trận...

Ông Phạm Xuân Hằng, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội cho rằng: MTTQ có vai trò tập hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân để phản ánh, kiến nghị với Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, hiệu quả của việc làm này chưa cao, nguyên nhân chính là do có thông tin đi nhưng không có thông tin trở lại, ít nhiều ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân.

“Mặt trận như là bưu điện nhưng không phải bưu điện. Tức là đơn từ gởi đến chúng tôi có trách nhiệm gửi đến HĐND, Ủy ban Nhân dân hoặc liên quan đến sở  ngành nào chúng tôi chuyển, nhưng chưa bao giờ có hồi âm, không được trả lại theo luật định. Biết rằng, đơn này đã nhận được, chuyển cho ai và cơ quan nào giải quyết để người dân lên hỏi Mặt trận trả lời. Vai trò của MTTQ trong hệ thống chính trị Việt Nam bắt đầu từ Hiến pháp, được hiến định như thế nào thì chúng ta mới suy ra làm tốt hay không”, ông Phạm Xuân Hằng nói.

Tiếp thu những ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi), bà Nguyễn Thị Hồng Hà, Phó Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội khẳng định: Những ý kiến của các đại biểu sẽ được gửi tới lãnh đạo cấp trên và các cơ quan chức năng nhằm xây dựng quy chế, chính sách để đưa công tác Mặt trận ngày càng hiệu quả hơn, góp phần hoàn thiện Dự thảo Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi) để Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII./.