Đại biểu Quốc hội vắng mặt nhiều quá!

Chiều 23/12, đánh giá kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng kỳ họp đã diễn ra thành công tốt đẹp với khối lượng công việc rất lớn, nhiều nội dung quan trọng được xem xét và quyết định thấu đáo, đồng thuận cao.

Tuy nhiên, cho rằng việc cung cấp tài liệu quá nhiều, cấp tập, Phó Chủ tịch đề nghị nên chuyển tài liệu qua internet hoặc gửi đại biểu trước và sau kỳ họp để các đại biểu có thời gian nghiên cứu.

Ngoài ra, “điều cần rút kinh nghiệm là số đại biểu vắng nhiều quá, có hôm nhìn trên đoàn chủ tịch xuống vắng rất nhiều. Báo chí nêu, cuối kỳ họp phóng viên cũng hỏi về cách quản lý làm sao mà vắng nhiều thế, có bảo đảm quy chế, nguyên tắc hay không? Do đó cần chỉ đạo để quán triệt, vì anh phải làm nhiệm vụ đại biểu”, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu lưu ý.

Về chương trình kỳ hợp thứ 9, ông Uông Chu Lưu đề nghị bổ sung báo cáo về kết quả thực hiện nghị quyết 26 của Quốc hội về thí điểm không tổ chức HĐND ở cấp quận, huyện vì điều này gắn liền với xây dựng Luật tổ chức chức quyền địa phương.

thuong_vu_2_xnkh.jpgChủ tịch Quốc hội lưu ý các đại biểu phải sắp xếp thời gian để thực hiện nhiệm vụ

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng nhấn mạnh kỳ hợp thứ 8 quyết định nhiều công việc hệ trọng, đại sự quốc gia. Các kỳ họp sau phải phát huy tinh thần này.

Tuy nhiên, cùng quan điểm với Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh “đại biểu vắng nhiều là thấy không được. Ban Công tác đại biểu, Văn phòng Quốc hội theo dõi sát hơn. Vắng nhiều dư luận không đồng tình đâu!”

Yêu cầu công tác chuẩn bị phải chu đáo để nâng cao chất lượng tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý “kỳ họp tới khối lượng công việc nhiều, do đó những luật cấp bách thì phải làm, nhưng có vấn đề cần nghiên cứu kỹ vì chuẩn bị chưa đâu vào đâu thì làm sao làm luật được”.

Quốc hội sẽ giám sát chuyên đề về oan, sai

Báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội về một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, căn cứ các nghị quyết của Quốc hội, các quy định của pháp luật và tình hình thực tế, dự kiến tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ dành 21 ngày cho công tác xây dựng pháp luật, xem xét thông qua 11 dự án luật và 1 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến 15 dự án luật.

Quốc hộ cũng sẽ xem xét các báo cáo bổ sung của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2015; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013; Thực hiện giám sát chuyên đề “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật”.

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII; nghe chất vấn và trả lời chất vấn.

Quốc hội sẽ xem xét thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2016 và một số báo cáo, nội dung quan trọng khác.

Dự kiến tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội làm việc 28,5 ngày,trong đó có 2/5 ngày thứ Bảy; họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 20/5/2015 và bế mạc vào ngày 25/6/2015.

Cuối giờ chiều 23/12, Chủ tịch Quốc hội đã phát biểu bế mạc phiên họp 33 Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau 2 ngày làm việc./.