Chiều 6/10, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức phiên họp thứ 5 góp ý vào dự án Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 sắp tới.

Các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến vào phạm vi điều chỉnh của Luật; quy định Ban công tác Mặt trận tại khu dân cư; về chức năng, nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân nhân; về MTTQ Việt Nam góp ý xây dựng Đảng và giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên, phản biện xã hội đối với dự thảo, đường lối, chính sách của Đảng và về hoạt động giám sát, phản biện của MTTQ Việt Nam. Nhiều đại biểu cho rằng, cần phân định rõ chức năng giám sát của MTTQ Việt Nam là giám sát mang tính nhân dân, giám sát xã hội, hỗ trợ cho công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra của Nhà nước như Luật hiện hành, khác với quy định giám sát của cơ quan dân cử mang tính quyền lực Nhà nước để từ đó xác định đúng tính chất, quy mô, kết luận giám sát do MTTQ Việt Nam thực hiện.

Về quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, ông Nguyễn Tiến Dĩnh, Thứ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị: Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi) cần phải xác định rõ quyền và trách nhiệm của MTTQ trong việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Muốn tập hợp, đoàn kết nhân dân phải là người đại diện, phải bảo vệ quyền lợi, nếu không không tập hợp đoàn kết rộng rãi và đảm bảo được chức năng là đảm bảo sự đồng thuận xã hội mà Hiến pháp đã giao cho MTTQ. Từ đó, có trách nhiệm cho rõ. Nếu không sẽ lẫn lộn giữa quyền và trách nhiệm.

Một số ý kiến cho rằng, Luật không nên quy định về việc MTTQ Việt Nam tham gia góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên, phản biện xã hội đối với dự thảo đường lối, chính sách của Đảng mà nên để quy định trong các văn bản của Đảng. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng Luật MTTQ lần này cần quy định về việc MTTQ Việt Nam tham gia góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên./.