Ban soạn thảo Dự án Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi) vừa đưa Dự án Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi) ra lấy ý kiến nhân dân.
Theo đó, các cơ quan, tổ chức, cá nhân quan tâm đến Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi) có thể gửi các ý kiến góp ý vào tất cả các nội dung của Dự án Luật. Thời gian tiếp nhận góp ý muộn nhất là ngày 25/5/2013.
Dự thảo Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi) gồm Phần mở đầu, 5 chương, 34 điều. So với Luật hiện hành, Dự thảo luật đã tăng thêm 1 chương, 16 điều.
Theo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, việc sửa đổi, bổ sung Luật MTTQ Việt Nam là cần thiết, đáp ứng yêu cầu tiếp tục đổi mới về tổ chức và phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam nhằm tiếp tục phát huy hơn nữa sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Theo Ban soạn thảo, Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi) dự kiến chỉ giữ lại những quy định về khái niệm, vị trí, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam. Những vấn đề còn lại được sửa đổi, bổ sung một cách cơ bản, toàn diện và cụ thể nhằm nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của MTTQ Việt Nam trong thời kỳ mới của đất nước, phù hợp với thực tiễn và những yêu cầu được nêu trong các văn kiện của Đảng gần đây; khắc phục những bất cập, khó khăn trong tổ chức, hoạt động của Mặt trận do những hạn chế của Luật hiện hành.
Luật MTTQ Việt Nam được Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 12/6/1999. Luật MTTQ Việt Nam ra đời có ý nghĩa chính trị to lớn, là cơ sở pháp lý để MTTQ Việt Nam thực hiện có hiệu quả hơn quyền, trách nhiệm của mình. Thông qua quá trình triển khai và thi hành Luật, nhận thức của hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam được nâng lên.
Tuy nhiên, trước yêu cầu phát huy hơn nữa sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới theo tinh thần các Nghị quyết Đại hội X, XI của Đảng, Luật MTTQ Việt Nam hiện hành đã bộc lộ một số hạn chế, cần được sửa đổi, bổ sung./.