Hưởng ứng Tháng Hành động quốc gia về Dân số (1-31/12/2013), sáng nay (4/12), tại Hà Nội, Tổng cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế tổ chức Lễ phát động Tháng Hành động quốc gia về Dân số với chủ đề “Già hóa dân số- Những thách thức trong chăm sóc người cao tuổi”.
Già hóa dân số là vấn đề mang tính toàn cầu, thế kỉ XXI được Liên Hiệp Quốc coi là thế kỷ của già hóa dân số thế giới. Già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh chóng, đặc biệt tại các nước đang phát triển đã đặt ra những thách thức không nhỏ đối với mỗi chính phủ các quốc gia trong việc thay đổi hệ thống chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội, lao động việc làm, giao thông, khu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng…
Lễ phát động Tháng Hành động quốc gia về Dân số sáng 4/12 |
Sau Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009, Tổng cục Thống kê dự báo năm 2017, Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn già hóa dân số. Tuy nhiên, năm 2011, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số với tỷ lệ người trên 65 tuổi đạt 0,7% tổng dân số, sớm hơn 6 năm so với dự báo. Điều đó làm cho tốc độ già hóa dân số của Việt Nam nhanh hàng đầu châu Á và cũng thuộc diện nhanh nhất thế giới. Nếu như năm 2012, cứ 11 người dân mới có 1 người cao tuổi (tỷ lệ 11/1) thì theo dự báo đến năm 2029 tỷ lệ này là 6/1, và năm 2049 là 4/1.
“Già hóa dân số không phải là gánh nặng mà là một tiến trình tất yếu, là một thành tựu”, ông Nguyễn Viết Tiến-Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh. Già hóa dân số hay nói cách khác, tuổi thọ người dân Việt Nam tăng cao là kết quả tổng hòa từ những thành tựu vô cùng to lớn trong công cuộc xây dựng phát triển kinh tế- xã hội đất nước trong thời gian qua. Đặc biệt, đó là thành tựu của chương trình DS- KHHGĐ được thực hiện hơn nửa thế kỷ qua.
Tuy nhiên, già hóa dân số cũng đặt ra nhiều thách thức đối với nước ta, nhất là khi Việt Nam đang bước vào giai đoạn này với tốc độ nhanh chóng trong khi các điều kiện về tiềm lực kinh tế, an sinh xã hội còn chưa được chuẩn bị kỹ càng, đời sống vật chất của người cao tuổi còn nhiều khó khăn.
Làm thế nào để có được chế độ chính sách đảm bảo cho người cao tuổi được sống vui, sống khỏe, sống có ích, được chăm sóc chu đáo là một bài toán khó khăn không chỉ với ngành dân số mà với toàn xã hội. Tại buổi lễ, Tổng cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình cũng đưa ra nhiều kiến nghị, các giải pháp hành động để thích ứng với “dân số già” chắc chắn sẽ đến trong 1- 2 thập niên tới. Trong đó giải pháp căn bản là duy trì mức sinh hợp lý, xây dựng và thực hiện các chiến lược dài hạn làm chậm thời gian chuyển đổi từ “già hóa dân số” sang “dân số già”, phát huy lợi thế của người cao tuổi, từng bước xây dựng hệ thống an sinh phù hợp.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đề nghị toàn ngành dân số phải tập trung thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch dân số năm 2014, chủ động duy trì mức sinh hợp lý, khống chế tốc độ tăng nhanh tỷ số giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dân số, "để 90 triệu dân Việt Nam luôn sống trong hạnh phúc và sự bền vững của các thế hệ với nhau"./.