Hôm nay (1/11), theo Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình, công dân Việt Nam thứ 90 triệu đã chào đời vào rạng sáng. Đó là bé Nguyễn Thị Thùy Dung, chào đời lúc 2h45 sáng 1/11, nặng 3,2 kg. Cháu Dung là con của chị Lê Thị Duyên và anh Nguyễn Văn Dũng (xã Nam Chính, H.Nam Sách, tỉnh Hải Dương).

Theo Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình, con số 90 triệu dân là dự báo của Tổng cục Thống kê tương đối chính xác và là một con số ấn tượng nhờ hiệu quả của chính sách dân số. Thời điểm được chọn là 0h ngày 1/11 mang tính biểu tượng cho một giai đoạn quan trọng của đất nước.

Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Dương Quốc Trọng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số- Kế hoạch hóa Gia đình về tình hình dân số ở Việt Nam nhân sự kiện đặc biệt này.

PV:Ngày 1/11 là ngày đánh dấu mốc Việt Nam đạt 90 triệu người. Theo ông, sự kiện này mang ý nghĩa như thế nào đối với công tác dân số kế hoạch hóa gia đình ở nước ta?

Ông Dương Quốc Trọng: Cá nhân tôi nói riêng và những người làm công tác dân số kế hoạch hóa gia đình hết sức vui mừng, phấn khởi và tự hào chào đón sự kiện công dân thứ 90 triệu của đất nước ta chào đời. Tự hào bởi vì năm 1989, sau cuộc tổng điều tra dân số, khi đó, các nhà khoa học đã dự báo rằng dân số Việt Nam sẽ đạt mức 105 triệu vào năm 2010. Và cũng theo dự báo đó, thì lẽ ra Việt Nam chúng ta đã tròn 90 triệu người ngay từ năm 2002. Nhưng đến nay, ngày 1/11, chúng ta mới tròn 90 triệu người, chậm hơn so với dự báo tới 11 năm.

Cùng thời điểm đó, dân số Việt Nam hơn Philipines 6 triệu người, và hiện nay, dân số Philipines hơn chúng ta 15 triệu người. Nếu như cũng theo dự báo đó, đến nay, dân số Việt Nam sẽ vào khoảng 110,8 triệu.

Như vậy, trong hơn 20 năm qua, chúng ta đã tránh sinh được khoảng 20,8 tới đến 21 triệu trường hợp. Chúng ta hình dung đất nước ta hiện nay không phải 90 triệu mà là 110,8 triệu thì chắc rằng sẽ quá tải trên mọi lĩnh vực, và kinh tế xã hội không thể được như ngày hôm nay. Cho nên có thể nói chúng tôi hết sức vui mừng, phấn khởi đón sự kiện Việt Nam chúng ta tròn 90 triệu người, chào đón cháu bé là công dân thứ 90 triệu của đất nước ta.

img_0407.jpg
Ông Dương Quốc Trọng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số- Kế hoạch hóa Gia đình

PV:Ông đánh giá như thế nào về cơ cấu dân số của Việt Nam trong suốt thời gian qua?

Ông Dương Quốc Trọng: Có thể nói 90 triệu người là tự hào của ngành dân số trong thời gian vừa qua. Nó cũng tạo ra những thuận lợi, nhưng cũng đặt ra những khó khăn, thách thức trong thời gian tới.  

Với 90 triệu con người, dân số Việt Nam đã trở thành một trong những cường quốc trên thế giới về quy mô dân số. Chúng ta đứng hàng thứ 14 về quy mô dân số, thứ 8 ở châu Á, và thứ 3 ở khu vực Đông Nam Á. Điều này tạo nên một tiềm lực kinh tế rất to lớn cho đất nước.

Chúng ta cũng rất may mắn, bởi từ năm 2007, Việt Nam đã bước vào giai đoạn cơ cấu dân số vàng. Cơ cấu dân số vàng có nghĩa là, cứ 2 người trong độ tuổi lao động (từ 15- 64 tuổi), mới có 1 người, hoặc ít hơn 1 người ở độ tuổi phụ thuộc (dưới 15 tuổi), hoặc từ 65 tuổi trở lên.

Nhưng việc này chỉ kéo dài trong một thời gian nhất định. Theo các nhà khoa học, các chuyên gia tính toán, thì cơ cấu dân số vàng của Việt Nam kéo dài khoảng 30- 35 năm. Tất nhiên, mỗi quốc gia, dân tộc thì thời gian này dài ngắn khác nhau.

Tôi cho rằng trong thời gian tới, đây là một cơ hội tuyệt vời để cho Việt Nam chúng ta cất cánh bay lên nếu như chúng ta tận dụng được nguồn nhân lực khổng lồ này.

PV:Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, chúng ta còn phải đối mặt với những thách thức như thế nào, thưa ông?

Ông Dương Quốc Trọng: Gần đây trong Hội nghị tổng kết 10 năm đánh giá pháp lệnh dân số, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân có giao cho ngành dân số xây dựng các cơ chế, chính sách để làm sao kéo dài được giai đoạn cơ cấu dân số vàng. Và đồng thời trong thời gian tới, chúng ta cũng đối mặt với thách thức về chất lượng dân số, cơ cấu dân số.

Năm 2009, sau tổng điều tra dân số, các nhà khoa học đã dự báo đến năm 2017 chúng ta mới bước vào giai đoạn già hóa dân số. Nhưng ngay từ năm 2011, chúng ta đã bước vào giai đoạn này. Tức là chỉ sau 2 năm, mọi dự báo trước đó đều trở nên lạc hậu. Và thời gian chuyển đổi từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già sẽ rất nhanh. Người ta đã tính toán Việt Nam là một trong 5 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Vậy trong thời gian tới, chúng ta phải thích ứng như thế nào, thì vấn đề điều chỉnh mức sinh thế nào cho hợp lý hết sức quan trọng.
Ông Dương Quốc Trọng bế công dân thứ 90 triệu của Việt Nam chào đời rạng sáng ngày 1/11

Chính việc điều chỉnh mức sinh này, sẽ kéo dài được giai đoạn cơ cấu dân số vàng, và làm chậm lại quá trình già hóa dân số. Trong thời gian tới, tôi nghĩ rằng việc điều chỉnh mức sinh thế nào cho linh hoạt là hết sức quan trọng chứ không như giai đoạn trước.

Một vấn đề nữa, chúng ta thấy rằng tỷ số giới tính khi sinh trong thời gian qua đã và đang tiếp tục tăng. Phải làm sao kiên quyết khống chế, giảm tốc độ gia tăng, tiến tới đưa tỷ số giới tính khi sinh trở về bình thường để đảm bảo cân bằng giới tính trong tương lai.

PV:Bên cạnh việc duy trì mức sinh, tỷ suất sinh và cân bằng giới tính, theo ông, tốc độ tăng dân số của Việt Nam nên ở mức như thế nào để chúng ta có được sự ổn định về cơ cấu dân số, cũng như hài hòa giữa các lứa tuổi, để làm chậm đi quá trình già hóa dân số ở Việt Nam?

Ông Dương Quốc Trọng: Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 11 đã đề ra chỉ tiêu là đến năm 2015, tốc độ gia tăng dân số ở Việt Nam là khoảng 1%, và ổn định ở mức này đến năm 2020. Với những người làm công tác dân số, chúng tôi chú ý nhiều đến con số tổng tỷ suất sinh, hay nói một cách khác là số con trung bình của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.

Từ năm 2006, chúng ta đã đạt được mức sinh thay thế, nhưng trong thời gian tới, dù đạt mức sinh thay thế, thì quy mô dân số vẫn tiếp tục gia tăng. Bởi vì theo cách gọi của các nhà nhân khẩu học thì đây chính là đà tăng dân số. Hiện nay, cứ 1,5 phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ mới có 1 phụ nữ bước ra khỏi độ tuổi sinh đẻ. Đến giai đoạn nào đó, mà 1 phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ có một phụ nữ bước ra khỏi độ tuổi sinh đẻ, cân bằng rồi, là chúng ta đạt mức sinh thay thế, thì quy mô dân số của chúng ta ổn định. Nhưng tiếc rằng nếu như đến giai đoạn đó, mức sinh của chúng ta lại xuống quá thấp. Khi đó quy mô dân số lại giảm xuống.

Vì vậy, chúng ta phải chấp nhận qua một giai đoạn nữa, là quy mô dân số tiếp tục gia tăng. Nếu như năm 1989, các nhà khoa học đã dự báo dân số Việt Nam sẽ ở mức cực đại khoảng 150 triệu, thì hiện nay theo tính toán của chúng tôi, dân số Việt Nam sẽ đạt mức cực đại từ khoảng 105- 110 triệu, thấp hơn rất nhiều so với dự báo trước đây. Chúng ta phải chấp nhận quy mô dân số sẽ phải tăng đến mức độ ấy. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải cố gắng đảm bảo mỗi gia đình, mỗi cặp vợ chồng có 2 con để tương lai đất nước ta sẽ có một cơ cấu dân số hợp lý, tháp dân số cân đối hài hòa giữa các lứa tuổi.

PV:Vâng, xin cảm ơn ông./.