Ngày 16/10, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tổ chức Hội thảo “Một số định hướng chính sách dân số Việt Nam trong giai đoạn mới”. Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung phân tích tình hình dân số ở Việt Nam, đặc biệt tập trung vào những xu hướng biến động mức sinh ở Việt Nam trong 10 năm gần đây.
Ở Việt Nam, số liệu từ các cuộc điều tra về dân số cho thấy, mức sinh đã giảm một cách vững chắc và đã xuống dưới mức sinh thay thế: 2,11 năm 2005; 2,03 năm 2009; 2,0 năm 2010 và 1,99 năm 2011; tuổi thọ bình quân của người dân tăng lên, từ 40 tuổi năm 1960 lên 73 tuổi năm 2012; sức khỏe bà mẹ và trẻ em được cải thiện…
Các đại biểu dự Hội thảo |
Đây là thành tựu của Chương trình quốc gia về dân số và kế hoạch hóa gia đình trong những thập kỷ qua. Hiện nay, Việt Nam đang ở trong giai đoạn chuyển đổi nhân khẩu học quan trọng, đây là cơ hội cho Việt Nam đưa ra những lựa chọn đúng đắn trong việc đầu tư kinh tế - xã hội, giúp cho quá trình phát triển bền vững của đất nước.
Bà Lâm Phương Thanh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, bên cạnh những thành tựu, công tác dân số kế hoạch hóa gia đình ở Việt Nam còn đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Với quy mô dân số gần 90 triệu người, Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 13 trên thế giới và thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á; chất lượng dân số ở mức trung bình; tốc độ già hóa dân số nhanh, mất cân bằng giới tính khi sinh tiếp tục tăng cao, chăm sóc sức khỏe sinh sản ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế, sự bất bình đẳng giới vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để.
Theo ông Lê Cảnh Nhạc, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), để giải quyết những khó khăn, thách thức trong công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, cần đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, vận động nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi cho người dân về các vấn đề của dân số, đặc biệt là vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Arthur Erken, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần có nhiều nỗ lực hơn nữa nhằm đảm bảo tiếp cận phổ cập sức khỏe sinh sản tới vùng sâu, vùng xa. Người trẻ chiếm khoảng 40% dân số, đây là tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay. Đầu tư cho thanh niên trong việc tiếp cận các dịch vụ chất lượng, đào tạo nghề và cơ hội việc làm có thể mang lại những lợi ích giúp phát triển bền vững.
Việt Nam đang trải qua thời kỳ chuyển đổi nhân khẩu học duy nhất trong lịch sử, nhóm dân số trẻ đông đảo, nhóm dân số cao tuổi đang tăng và mất cân bằng giới tính khi sinh. Chính vì vậy, Luật Dân số sắp tới cần giải quyết các cơ hội và thách thức của công tác dân số. Các chính sách này là phần không thể thiếu của phát triển kinh tế xã hội quốc gia./.