Đã nhiều lần ra biển, đảo tác nghiệp nhưng đối với nhà báo Hoàng Trí Dũng- Trưởng Văn phòng đại diện Báo Tuổi Trẻ tại Cần Thơ thì chuyến đi gần 10 ngày ra quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa vào cuối tháng 5 đầu tháng 6 vừa qua đã in vào tâm trí anh những ấn tượng không phai. 

Trước hành động sai trái của Trung Quốc khi đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, anh đã có mặt cùng các đồng nghiệp, kịp thời ghi nhận được những hình ảnh đậm nét về tinh thần vượt khó, sự mưu trí dũng cảm của các bộ, chiến sĩ và các lực lượng chấp pháp đang thực thi nhiệm vụ tại đây. Ngoài những thông tin được đưa lên mặt báo ngay từ những ngày còn ở ngoài biển, đảo, nhà báo Hoàng Trí Dũng cho biết anh đang chuẩn bị cho ra đời nhiều tác phẩm khác sau chuyến đi đầy ý nghĩa này. 

“ Ở ĐBSCL thì anh em nhà báo ít có điều kiện đi tác nghiệp ở  Hoàng Sa, Trường Sa. Qua chuyến đi này, tôi thấy mình đúc kết được nhiều kinh nghiệm cũng như cảm nhận của mình về biển, đảo của Việt Nam, thêm yêu hơn, quí hơn sự hy sinh của cán bộ, chiến sĩ lực lượng hải quân cũng như các lực lượng chấp pháp đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam” nhà báo Hoàng Trí Dũng nói.

nha-bao_ztop.jpgCác nhà báo ĐBSCL trong một chuyến tác nghiệp tại vùng biển Tây Nam Tổ quốc
Riêng đối với nhà báo Nguyễn Thường- Phó trưởng phòng thời sự Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Cần Thơ thì không thể nào quên 10 ngày gắn bó với Trường Sa trong năm ngoái. Đó là những ngày mà anh cùng đồng nghiệp làm việc liên tục từ sáng đến chiều không ngơi nghỉ, tranh thủ thời gian để hòng thu thập được thật nhiều hình ảnh, sự kiện chân thật, sinh động tại vùng biển, đảo này.

Khi trở về Cần Thơ, nhà báo Nguyễn Thường đã cho ra đời bộ phim tài liệu “Tâm sự biển bờ”. Bộ phim kể chuyện người chồng là một chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại Trường Sa, có vợ và con nhỏ sống trong đất liền. Mặc dù có những xa cách, nhớ nhung nhưng cả hai đã biết đặt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng lên hàng đầu. Ngoài bộ phim tài liệu này, anh cùng đồng nghiệp còn cho ra đời loạt ký sự truyền hình: "Thiêng liêng Trường Sa” gồm 10 tập, với thời lượng mỗi tập 10 phút. Những tác phẩm của nhà báo Nguyễn Thường cùng đồng nghiệp ở Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Cần Thơ khi phát sóng đã tạo nên sự xúc động sâu xa trong lòng người dân đất liền, để sau đó có thêm nhiều hành động, việc làm thiết thực, ý nghĩa hướng về biển, đảo thân yêu. 

 

Nhà báo Nguyễn Thường tâm sự: "Ở Trường Sa thì cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh, đối chọi với những tiềm ẩn ở ngoài khơi rất lớn. Đó là những điều mà tôi nghĩ là những người làm phim, những người đi theo đoàn cũng như những người mà chưa từng được ra Trường Sa cảm phục những con người sống và làm việc ở đây”.

Chưa có dịp đến với Trường Sa, Hoàng Sa nhưng Võ Quốc Thái- Phóng viên báo Cần Thơ đã nhiều lần đến với vùng biển, đảo Tây Nam của Tổ quốc. Có những lần gặp sóng to, gió lớn Quốc Thái bị say sóng rã rời nhưng với tinh thần yêu biển đảo, khâm phục tinh thần vượt khó, chẳng ngại hy sinh của cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở nơi đảo xa đã giúp cho anh vượt qua những khó khăn, trở ngại. Những hình ảnh đẹp của tình quân dân gắn bó keo sơn như cá với nước đã được Quốc Thái đưa vào trong các tác phẩm của mình, trong đó nổi bật là loạt phóng sự “ Vững vàng nơi đầu sóng” vừa được thực hiện vào đầu năm 2014 này với 3 kỳ. Kỳ 1: Tình quân dân trên biển đảo Tây Nam. Kỳ 2: Ánh sao giữa trùng khơi và kỳ 3: Tình yêu sâu sắc với biển đảo. 

"Chúng tôi luôn hướng về biển đảo của Tổ quốc và sẵn sàng tình nguyện ra quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa để tác nghiệp. Chúng tôi sẽ phản ánh tinh thần chiến đấu, tình yêu nước của cán bộ, chiến sĩ, cũng như là tâm tư nguyện vọng của bà con ở đất liền luôn hướng về biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

Những nhà báo ở ĐBSCL tâm niệm: Tuyên truyền về biển, đảo, luôn hướng về biển, đảo, không chỉ là trách nhiệm của người làm báo, mà qua đó còn thể hiện rõ tinh thần yêu nước của người dân Việt Nam trong thời điểm này./.