Sáng 16/10, tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tổ chức cuộc toạ đàm "Nhà báo Đào Tùng với báo chí cách mạng Việt Nam".

Tham gia cuộc toạ đàm có ông Nguyễn Khánh- nguyên Phó Thủ tướng, nhiều nhà báo lão thành như: Hà Đăng, Hữu Thọ, Phan Quang, Đỗ Phượng, Hồ Tiến Nghị...  

toa-dam.jpg
Đại biểu tham dự cuộc Tọa đàm

Các tham luận và ý kiến của các nhà báo lão thành, các đại biểu tham gia cuộc toạ đàm đã nêu bật công lao đóng góp to lớn của nhà báo Đào Tùng- cố Tổng giám đốc TTXVN. Với TTXVN, ông là người có công xây dựng TTXVN thành trung tâm thông tin chiến lược quốc gia, tiên phong trong lĩnh vực vi tính hoá, điện tử hoá công nghệ truyền phát, khởi xướng và ấn hành 3 ấn phẩm trở thành thương hiệu của TTXVN là: Tuần Tin tức, Thể thao- Văn hoá và Khoa học- kỹ thuật và kinh tế thế giới, đồng thời mở mang quan hệ đối ngoại báo chí trong khối xã hội chủ nghĩa. Nhà báo Đào Tùng cũng có những đóng góp to lớn cho hoạt động và phát triển Hội Nhà báo Việt Nam từ những năm 70 của thế kỷ trước.

Phát biểu tại cuộc toạ đàm, nhà báo Đỗ Phượng- nguyên Tổng Giám đốc TTXVN, cũng là người làm việc với nhà báo Đào Tùng nhiều năm khẳng định: "Phẩm chất nổi bật của nhà báo Đào Tùng là tính cách năng nổ, sáng tạo, luôn hướng về cái mới và làm những điều mới. Nhà báo Đào Tùng không bao giờ dừng lại ở một điểm, không bao giờ hài lòng với thành công, có thành công lại tiến lên. Sống với ông Đào Tùng tạo cho tôi một tư duy mạnh mẽ, rộng mở hơn và thẳng thắn hơn. Thứ hai, với nhà báo Đào Tùng, việc đồng bộ hoá kỹ thuật với thế giới là hết sức quan trọng. Hãng thông tấn mà không đồng bộ hoá kỹ thuật với thế giới thì không làm việc được".

Cũng theo nhà báo Đỗ Phượng, nhà báo Đào Tùng luôn luôn quan niệm phải đa dạng hoá các sản phẩm của báo chí. Với khả năng ngoại ngữ tốt (tiếng Pháp giỏi, tiếng Anh, tiếng Nga nói được), đồng thời năng nổ trung thực nên ông có mối quan hệ tốt với các nhà báo quốc tế".

Nhà báo Đỗ Phượng giới thiệu về một bức ảnh tư liệu nhà báo Đào Tùng

Nhà báo Đào Tùng (sinh ngày 15/10/1925- mất ngày 15/9/1990)- tên thật là Đỗ Trung Thành, quê ở Phủ Lạng Thương, tỉnh Bắc Giang. Ông đã có hơn một phần tư thế kỷ là người đứng đầu Thông tấn xã Việt Nam. Chính vì thế, theo Nhà báo Nguyễn Đức Lợi- Tổng Giám đốc TTXVN, TTXVN nỗ lực phát huy tốt nhất những di sản to lớn mà nhà báo Đào Tùng truyền lại, để phát triển mạnh mẽ hơn: Cố Tổng giám đốc Đào Tùng đã để lại một di sản rất lớn đối với TTXVN. "Chúng tôi là thế hệ lãnh đạo và người làm báo Việt Nam cảm thấy mình phải có trách nhiệm to lớn trong việc phát huy các di sản mà bác đã để lại. Trước hết là về hạ tầng, nền tảng công nghệ kỹ thuật của TTXVN. Hơn nữa bác để lại phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo, tư duy đổi mới, tư duy sáng tạo. Đây cũng là di sản mà chúng tôi phải tiếp tục phát huy"- ông Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh.

Cuộc toạ đàm về cuộc đời và sự nghiệp của nhà báo Đào Tùng là cuộc toạ đàm thứ hai về các nhà báo có nhiều cống hiến cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam (sau cuộc toạ đàm về nhà báo Trần Lâm- nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam).

Thông qua việc tổ chức các cuộc toạ đàm này, Hội Nhà báo Việt Nam mong muốn tạo điều kiện để các nhân chứng, các đồng nghiệp báo chí có cơ hội gặp gỡ, trao đổi những vấn đề về lịch sử báo chí Việt Nam; tổ chức các hình thức, hoạt động ghi nhận và tưởng niệm các bậc nhà báo tiền bối có nhiều đóng góp cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam và giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống báo chí cách mạng.

Đây cũng là hoạt động thiết thực triển khai việc nghiên cứu, khảo sát, sưu tầm tài liệu, hiện vật lịch sử về truyền thống báo chí, về các nhà báoViệt Nam trong sự nghiệp đấu tranh xây dựng và bảo vệ đất nước, chuẩn bị tư liệu, tài liệu cho việc xây dựng Trung tâm Tư liệu Thư viện và Bảo tàng Báo chí Việt Nam do Hội Nhà báo Việt Nam đang xây dựng theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ./.