Hơn một phần ba thế kỷ gắn chặt với nghề phóng viên của Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN), tên tuổi nhà báo Hoàng Lan đã in đậm trong trí nhớ nhiều thế hệ thính giả của Đài qua nhiều sự kiện lớn của đất nước. Sau khi nghỉ hưu, chị nhận lời về làm việc tại Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam với cương vị là Phó Tổng biên tập Tạp chí Đồ uống Việt Nam, sau đó được giao thêm nhiệm vụ Phó Chánh Văn phòng Hiệp hội.
Nhà báo Hoàng Lan và nhà báo Phạm Mạnh Hùng nhận giải Báo chí Toàn quốc năm 2001 (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Bước sang tuổi 65, càng hiếm hoi hơn khi ở cương vị nào chị cũng hoàn thành công việc một cách xuất sắc, được mọi người nhìn nhận như một tấm gương cả về nhân cách lẫn tác phong nghề nghiệp cho nhiều thế hệ sau. Nhà báo Hoàng Lan chia sẻ: “Vì tình yêu nghề đã ăn sâu vào máu thịt, nên chừng nào còn sức khỏe, còn cơ hội thì tôi còn cống hiến ngày đó. Đã làm việc gì thì phải đảm bảo kết quả tốt cho việc đó, không để ai phải than phiền”.
Duyên nợ với nghề báo
Nhà báo Hoàng Lan kể, nghề báo đến với chị như là “duyên nợ”. Vốn là sinh viên khoa Hóa trường Đại học Bách khoa Hà Nội, năm 1972, Hoàng Lan thực hiện đồ án tốt nghiệp “Sản xuất mạ các dụng cụ cơ công phục vụ quân đội”. Tháng 10 năm 1972, Hoàng Lan tốt nghiệp và 2 tháng sau chị nhận được giấy gọi đến công tác tại Đài TNVN. Chị được phân vào Tổ phát thanh Công nghiệp của Đài TNVN.
“Lúc bấy giờ tôi không thích, bởi chưa biết nghề phóng viên là như thế nào. Sau đó được ông Trần Lâm - ngày ấy là Chủ nhiệm Ủy ban Phát thanh-Truyền hình Việt Nam gặp mặt trao đổi, làm công tác tư tưởng cho một số sinh viên mới được phân công công tác tại Đài TNVN. Chính “công tác tư tưởng” và tính thích đi, thích mở tầm nhìn là “duyên nợ” gắn chặt tôi với nghề phóng viên kéo dài mấy chục năm sau đó”, nhà báo Hoàng Lan chia sẻ.
Không được đào tạo từ các trường báo chí hay Đại học Tổng hợp Văn, nên tự học, tự đào tạo là cách nhà báo Hoàng Lan rèn cặp mình, và cho đến tận giờ đó vẫn một niềm say mê không ngừng nghỉ. Học thầy, học bạn, học người xung quanh, mày mò quan sát tìm hiểu rồi dần dà, hình thành nên cây bút không lẫn với ai.
Bằng năng khiếu, tư duy nhạy bén chị đã lao thẳng vào thực tế. Chị phải học lại từ cách viết, nhưng chị cũng tâm niệm rằng không nên quá bận rộn về ngôn từ, chữ nghĩa mà quên đi nội dung cơ bản nhất trong bài viết. Chị luôn tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu của thính giả quan tâm đến vấn đề gì, những vấn đề rất đời thường, những cái người ta cần nghe.
Những kỷ vật đời nhà báo
Vốn có năng khiếu cùng với sự say mê, quyết tâm lăn lộn với nghề nên nhà báo Hoàng Lan đã đứng vững với Chương trình phát thanh Công nghiệp. Chị để lại dấu ấn riêng biệt trong trí nhớ nhiều thế hệ thính giả của Đài bằng những phóng sự điều tra.
Nhà báo Hoàng Lan trong một chuyến đi công tác viết bài (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Lần giở lại những bức ảnh, những tấm Bằng khen qua 4 lần nhận được giải báo chí Quốc gia mà với nhà báo Hoàng Lan đó là những kỷ vật trong suốt hơn 34 năm làm phóng viên Đài TNVN được viết và cống hiến.
Tôi được chị kể cho nghe về giải “đúp” báo chí Toàn quốc (nay là giải báo chí Quốc gia) phát trên làn sóng của Đài TNVN cách đây 17 năm. Đó là vào năm 1997, chị nhận được 2 giải báo chí: giải B Báo chí Toàn quốc với tác phẩm “Sứ Hải Dương thoi thóp”, và giải Bạc Liên hoan Phát thanh Toàn quốc với tác phẩm “Giấy phục vụ học sinh năm học mới”.
Nhà báo Hoàng Lan nhớ lại: “Hai đề tài được giải đến với tôi cũng rất tình cờ. Trước khi viết, tôi không có ý gửi tác phẩm đi dự thi. Hai bài viết đó làm theo tinh thần và ý chỉ đạo của lãnh đạo phòng. Bài viết xong được phát sóng bình thường trên Đài thôi. Hàng quý, Ban Kinh tế có tổ chức sinh hoạt nghiệp vụ và bài điều tra “Sứ Hải Dương thoi thóp” được giải A nội bộ và chuyên đề “Giấy phục vụ học sinh năm học mới” cũng được giải nhì nội bộ. Sau đó lãnh đạo Ban biên tập động viên gửi bài dự thi. Hai tác phẩm đều được giải và đó là điều bất ngờ nhất đối với tôi…”.
Bài điều tra “Sứ Hải Dương thoi thóp” phát trên sóng của Đài TNVN những ngày tháng đó nhanh chóng gây được sự chú ý của dư luận. Sau đó, Tổng công ty Sành sứ Thủy tinh công nghiệp và Bộ Công nghiệp đã có những cuộc họp, bàn biện pháp tháo gỡ những khó khăn cho Công ty. Cụ thể là: đã có những giải pháp về vốn để Công ty đổi mới thiết bị công nghệ nhằm phát triển sản xuất và sắp xếp lại tổ chức để phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Công ty. Phải chăng, đó chính là phần nào tác dụng của bài viết.
Cũng trong năm 1997, nhà báo Hoàng Lan được Đài TNVN tặng danh hiệu Lao động giỏi và Phụ nữ hai giỏi.
Những cống hiến của chị đã được thính giả và Đài TNVN ghi nhận với 2 huy chương “Vì sự nghiệp báo chí” và Huy chương “Vì sự nghiệp phát thanh”.
Người phụ nữ đảm đang và giàu nghị lực
Những kết quả đó đã được đổi bằng biết bao mồ hôi, công sức, nhưng với nhà báo Hoàng Lan không vì thế mà chị bỏ qua trách nhiệm của một người mẹ. Một người phụ nữ nhưng phải làm trụ cột chính trong gia đình. Người chồng thân yêu của chị đã qua đời năm 1990. 10 năm sau đó, người con trai đang học năm thứ 2 đại học cũng rời bỏ chị mà đi trong một tai nạn giao thông thảm khốc. Vượt lên số phận nghiệt ngã đối với mình, chị tần tảo nuôi dạy người con gái và tiếp tục có những cống hiến bằng những giải thưởng báo chí quốc gia ngay trong năm tháng nhiều mất mát đó.
Chị tâm niệm rằng, mỗi người đều có 1 số phận, phải hy sinh hạnh phúc riêng của mình để dành tất cả tình yêu thương cho con cái. Sau mỗi thăng trầm đều phải có nghị lực để vượt lên, vì cuộc sống còn nhiều điều phải cống hiến. Với nhà báo Hoàng Lan, những việc chị làm đều vì danh dự và mong muốn đưa đến cho mọi người nụ cười. “Chính nụ cười và thành quả công việc là động lực làm việc mỗi ngày”, nữ nhà báo xúc động.
Bản thân nhà báo Hoàng Lan, khi đã 65 tuổi, cái tuổi có quyền nhìn nhận và đánh giá một chặng đường mình đã sống, chị khẳng định rằng, suốt một đời say mê với nghề, nhưng chị không coi nghề báo là nấc thang để tiến lên đài danh vọng. Dù đã mấy chục năm viết báo, nhưng cho đến nay với vai trò quản lý tờ Tạp chí của Ngành, khi cầm bút viết một bài dài hay một tin ngắn chị vẫn phải trăn trở sao cho những tác phẩm đó phản ánh đúng “tâm” và “tầm” của mình.
Theo chị, sự cẩn thận trong bất cứ nghề nghiệp nào cũng cần thiết, song cẩn thận trong nghề báo là yêu cầu số một. Vì sự tín nhiệm của bạn đọc vô cùng quan trọng, “một lần mất tin” thì sẽ không còn được tin cậy nữa.
Mỗi khi cầm bút, người viết phải biết bài viết của mình sẽ ảnh hưởng thế nào đến xã hội, bởi mỗi bài báo là một thông điệp, nó có thể là một thông điệp yêu thương, cũng có khi là một bản kết án. Trong tâm niệm của mình, nhà báo Hoàng Lan cho rằng nguyên nhân làm nên thành công của một bài báo đó chính là xúc cảm và trách nhiệm nghề nghiệp: “Mỗi cá nhân hay đơn vị, doanh nghiệp đều có 2 mặt là làm tốt và làm chưa tốt. Người phóng viên có “tâm” và có “tầm” là người biết phát hiện những sai trái, những mặt chưa làm tốt của đơn vị hay cá nhân đó, từ đó tìm cho họ giải pháp khắc phục, chứ không phải hạ bệ họ. Đó mới là nhiệm vụ và trách nhiệm của người làm báo cách mạng chân chính”.
Theo nhà báo Hoàng Lan, để giỏi nghề không phải là việc làm một sớm một chiều mà phải là một quá trình tích lũy lâu dài, cộng với cái tâm và lòng say mê thực thụ.
Nhà báo Hoàng Lan tâm sự: "Cuộc đời không cho không ai tất cả, cũng không lấy đi của ai tất cả”. Cơn bĩ cực lớn nhất của đời chị cũng đã qua đi. Giờ đây chị đang sống hạnh phúc bên vợ chồng người con gái thành đạt và đứa cháu ngoại mới lên 5. Sau một ngày làm những công việc yêu thích, chị lại trở về ngôi nhà thân yêu, tự tay nấu những món ăn ngon, sum vầy cùng con cháu bên bữa cơm gia đình ấm cúng. Hạnh phúc tuy không tròn đầy, nhưng dẫu sao nó cũng được bù đắp xứng đáng…/.