Tâm của người làm báo

Các nhà báo tuyên truyền về công tác bảo vệ trẻ em phải đứng trên cơ sở tiếp cận Quyền trẻ em. Trong đời sống của trẻ em, có rất nhiều câu chuyện xảy ra, nhưng với cái tâm của người làm báo, chúng ta nên cân nhắc viết cái gì, đưa tin như thế nào giữa lợi ích tốt nhất của trẻ em với lợi ích kinh doanh của tờ báo. Đó là ý kiến nổi bật của nhà báo Nguyễn Thị Lan Minh, Trưởng ban Truyền thông của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam trong buổi hội thảo “Nâng cao kỹ năng truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015 và Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm đến năm 2020, tầm nhìn 2030” tổ chức ngày 13/12, tại Hà Nội. Sự kiện do Cục Báo chí thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông; Vụ Gia đình thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam phối hợp tổ chức.

tre-em.jpg
Toàn cảnh hội thảo
Theo nhà báo Lan Minh, trong xã hội, cuộc sống, hình ảnh trẻ em xuất hiện ở khắp nơi. Trên các phương tiện thông tin đại chúng luôn xuất hiện những những tin, bài, ảnh viết về trẻ em.

Thế nhưng, trên thực tế, không ít bài báo đã khai thác triệt để về những tai nạn liên quan đến trẻ em như bị hiếp dâm, hành hạ… vô hình chung đã “vẽ đường cho hươu chạy” cho các đối tượng. Điều đó cho thấy trẻ em không những không được bảo vệ mà còn bị “xâm phạm về tinh thần” một cách đau đớn hơn. Thậm chí, một số bài báo khi viết về trẻ em bị xâm hại không giấu tên, không làm mờ hình ảnh của các em trên phương tiện đại chúng. Quy tắc đưa tin về trẻ em lại bị phóng viên cố tình bỏ qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của các em, có em không thể chịu được áp lực của dư luận đã nghĩ quẩn, hoặc làm chuyện không hay.

“Trẻ em là đối tượng dễ tổn thương, cần phải được tôn trọng, đặc biệt là tôn trọng nhân phẩm và Quyền trẻ em. Viết về trẻ em, chúng ta phải dựa vào Luật pháp, Công ước quốc tế về Quyền của trẻ em đó là: Luôn đặt lợi ích tốt nhất của trẻ em lên trên hết, lắng nghe tiếng nói của trẻ em, tăng cường sự tham gia của trẻ em”, nhà báo Lan Minh nhấn mạnh.

Vì vậy, báo chí, truyền thông nên coi trọng các nhiệm vụ: tuyên truyền quan điểm, chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực trẻ em; giám sát việc thực thi quyền trẻ em; cung cấp kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm bảo vệ quyền trẻ em; tư vấn dịch vụ xã hội; hợp tác, chia sẻ trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến trẻ em

Tại hội thảo, nhiều nhà báo chia sẻ, trong quá trình tác nghiệp, họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận, phỏng vấn trẻ em. Và thực tế, có 1 số nhà báo làm theo kiểu “mì ăn liền”. Tức là trước khi đến cơ sở để phỏng vấn trẻ em, nhà báo đó đã viết sẵn lời của các em, sau đó đưa cho các em học thuộc để quay hình, ghi âm viết bài.

Chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến vấn đề này, nhà báo Lan Minh cho biết: “Trẻ em là đối tượng rất nhạy cảm. Vì vậy, để tiếp cận trẻ em, trước hết chúng ta phải làm bạn với trẻ. Bằng những câu chuyện tâm tình, tạo niềm tin ở các em, từ đó các em mới chia sẻ những thông tin chân thật, khách quan cho nhà báo”.

Nâng cao nghiệp vụ về báo chí với trẻ em

Phát biểu tham luận tại hội thảo, TS Nguyễn Ngọc Oanh - Phó trưởng khoa Thông tin đối ngoại (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng, báo chí về đề tài trẻ em đã có từ lâu, đã thể hiện được sự quan tâm đến trẻ em. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng tôn trọng Quyền trẻ em theo Công ước Quốc tế. Nguyên nhân của tình trạng đó là sự hiểu biết về trẻ em và luật pháp của người phóng viên chưa cao. Thêm vào đó là những quan niệm về trẻ em thường khô cứng trong một số cách nhìn nhận, coi trẻ em là đối tượng chưa biết gì, vì thế mà ý kiến của các em chưa được tôn trọng. Một phần nữa, do các cơ quan báo chí hầu như thiếu một đội ngũ phóng viên chuyên nghiệp về những vấn đề liên quan đến trẻ em. Nguyên nhân của vấn đề này là do không có một tổ chức nào trong nước đào tạo phóng viên báo chí trẻ em một cách có hiệu quả.

“Rất ít các khóa đào tạo tại chức hoặc hội thảo dành cho phóng viên được tiến hành nhằm nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cơ bản cho họ, nói gì đến các ấn phẩm về quyền trẻ em hoặc nhân quyền”, TS Oanh dẫn lại trong cuốn “Quyền trẻ em và phương tiện thông tin đại chúng”.

Nhằm nâng cao kỹ năng đưa tin về trẻ em, TS Oanh đưa giải pháp cần phát huy vai trò tham gia của trẻ em trên các phương tiện thông tin đại chúng một cách thực sự, tránh hình thức và tránh việc sử dụng trẻ em như là một công cụ của người lớn nhằm đạt được những mục đích của người lớn. Nâng cao nghiệp vụ về báo chí với trẻ em, trang bị các kiến thức và kỹ năng báo chí cho các phóng viên khi làm việc với trẻ em. 

“Hiện nay, tại một số địa phương đã có câu lạc bộ phóng viên nhỏ được sự tài trợ của các tổ chức phi chính phủ, các em được tập huấn, làm chương trình gửi phát sóng trên đài truyền hình địa phương. Do vậy, nếu có kế hoạch và được sự quan tâm của các đài truyền hình, việc sử dụng các tác phẩm và chương trình do chính trẻ em sản xuất, định kỳ phát sóng truyền hình quốc gia sẽ mang lại ý nghĩa lớn” - TS Oanh nói./.