Sáng ngày 25/2/2014, trong không khí trang nghiêm, thành kính, UBND phường Hòa Hiếu, thị xã Thái Hòa và tỉnh Nghệ An cùng với toàn thể cán bộ, nhân dân địa phương đã long trọng tổ chức lễ tưởng niệm, vinh danh nhà báo – liệt sỹ Trần Văn Thông sau hơn 48 năm hy sinh.
Nhà báo Trần Văn Thông (SN 1924), nguyên quán huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), năm 1944, đồng chí được kết nạp vào Đảng lao động Việt Nam rồi hoạt động cách mạng dưới vỏ bọc là thư ký cho chủ đồn điền cao su, cà phê của cai Quý.
Lễ truy điệu và trao bằng “Tổ quốc ghi công” cho nhà báo – liệt sỹ Trần Văn Thông |
Năm 1961, đồng chí Trần Văn Thông được giao nhiệm vụ làm phóng viên, trị sự Báo Miền Tây Nghệ An (sau này là báo Nghệ An), tham gia tuyên truyền nhiệm vụ chính trị trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Ngày 23/5/1965, đồng chí Trần Văn Thông bị bom Mỹ sát hại cùng với người Tổng biên tập Đặng Loan tại trụ sở Báo Miền Tây Nghệ An cũ nay thuộc phường Quang Tiến, thị xã Thái Hòa. Tuy nhiên, từ ngày đồng chí Trần Văn Thông hy sinh, 48 năm sau vẫn chưa được công nhận liệt sỹ.
Đến ngày 26/12/2013, Thủ tướng Chính phủ có quyết định công nhận là liệt sỹ và cấp Bằng Tổ quốc ghi công cho cố nhà báo Trần Văn Thông, tức là sau 49 năm kể từ ngày đồng chí Trần Văn Thông hy sinh mới được công nhận là liệt sỹ.
Đây không chỉ là sự kiện trọng đại tôn vinh một nhà báo – liệt sỹ hy sinh sau gần nửa thế kỷ mà còn là niềm vinh dự của đại gia đình, họ tộc của đồng chí Trần Văn Thông. “Kể từ ngày hy sinh tại cơ quan Báo Miền Tây Nghệ An, gần nửa thế kỷ trôi qua, nhờ sự kết nối của những đồng nghiệp đã từng công tác trong thời kỳ chống Mỹ, qua các cơ quan báo chí, trước tiên là Báo Công An Nghệ An đã lấy lại danh dự cho anh trai tôi.
Trước lễ truy điệu và trao bằng “Tổ quốc ghi công”, trước sự quan tâm của các cơ quan đoàn thể và nhân dân, gia đình tôi không biết nói gì hơn bằng lời cảm ơn sâu sắc nhất. Trước anh linh hương hồn của anh trai, gia tộc chúng tôi sẽ nguyện sống tốt hơn để xứng đáng với sự hy sinh của người anh cả của mình” - Trong niềm rưng rưng xúc động, ông Trần Văn Điu, người em trai của cố nhà báo – liệt sỹ Trần Văn Thông tâm sự.
Cùng chung với nỗi niềm xúc động trong buổi lễ truy điệu đồng chí Trần Văn Thông, ngay từ sáng sớm, đông đảo người dân phường Hòa Hiếu đã tập trung tại nhà văn hóa khối Đồng Tâm 1 trong không khí trang nghiêm, thành kính. Nhiều người là bà con lối xóm từng sinh sống, chứng kiến gia cảnh đồng chí Trần Văn Thông từ những năm đầu những năm 60 của thế kỷ 20 không khỏi cảm phục, mến yêu. Với phẩm chất, lối sống, tác phong giản dị của nhà báo Trần Văn Thông tối tối thắp đèn “phòng không” cùng với đồng nghiệp của mình miệt mài bên những trang báo Miền Tây Nghệ An từ những năm bom Mỹ đánh phá vùng Phủ Quỳ ngày trước, ai cũng tiếc thương, nghẹn ngào xúc động.
“Những năm chống Mỹ rồi cả những năm ông Thông làm việc tại Báo Miền Tây Nghệ An, gia đình tôi với nhà ông ấy cách nhau 3 nhà. Ngày ông Thông bị bom Mỹ vùi vào đất mẹ, tôi và người dân đã tiếc thương vô hạn. Vợ mất sớm, 3 con ông ấy nheo nhóc, làng xóm láng giềng không khỏi thương xót. Hôm nay, Nhà nước tổ chức lễ truy điệu cho ông Trần Văn Thông, bà con chúng tôi cảm động lắm” - Bà Tống Thị Hiền, năm nay 93 tuổi đến dự lễ truy điệu nhà báo – liệt sỹ Trần Văn Thông từ sáng sớm không giấu được cảm xúc của mình kể lại với chúng tôi.
Còn với những người con, người cháu của nhà báo – liệt sỹ Trần Văn Thông hôm nay, không ai giấu được nỗi niềm tiếc thương sự hy sinh của người cha, người ông của mình.
Còn với chúng tôi, những người làm báo, là đồng nghiệp của cố nhà báo Trần Văn Thông về với lễ truy điệu tưởng niệm hôm nay không biết nói gì hơn xin bằng nén hương lòng tưởng nhớ tới người đã ngã xuống vì Tổ quốc.
Thượng tá quân đội Trần Ngọc Anh (người con trai cả của đồng chí Trần Văn Thông năm nay đã 65 tuổi) chia sẻ thay nén hương tỏ lòng thành kính: “Cha tôi hy sinh vì loạt bom Mỹ năm 1965 rải xuống, mẹ mất sớm để lại mấy người con nheo nhóc, côi cút. Từ ngày cha tôi hy sinh đến khi chúng tôi lớn khôn cha vẫn chưa được công nhận là liệt sỹ. Đó là sự thiệt thòi lớn lao của gia đình tôi. Hôm nay, cha tôi được các cơ quan báo chí, ban ngành chức năng làm lễ truy điệu và trao bằng Tổ quốc ghi công” cũng là lời tri ân cho ngày trở về là cảm động lắm rồi”./.