Đây cũng là suy nghĩ chính đáng của những trí thức trẻ Việt đang học tập, nghiên cứu ở nước ngoài. Bởi về nước, họ cũng cần có một cơ chế, một môi trường làm việc phù hợp. Và họ cũng cần có đủ điều kiện tối thiểu cho cuộc sống của cá nhân và gia đình của mình.

Phạm Tấn Việt đang nghiên cứu là về cấu trúc phân tử của thực vật. Đây là lĩnh vực nghiên cứu sâu và là tiền đề để nghiên cứu các cấu trúc gây bệnh cho cây trồng, thực vật, có tiềm năng ứng dụng trong nông nghiệp ở Việt Nam.

viet.jpg
Nghiên cứu sinh Phạm Tấn Việt

Tuy nhiên để nghiên cứu cho “đến đầu, đến đũa” thì thời gian nghiên cứu sinh 3 năm như trường Đại học ở Việt Nam cử đi học quả là quá ít. Nhưng nếu không về đúng thời hạn thì coi như không giữ đúng cam kết với trường: “Học Tiến sĩ xong về nước thực tế cũng chưa làm được gì nhiều. Mà muốn cống hiến thì cần phải làm nghiên cứu sâu hơn nữa, phải học lên cao hơn. Tuy nhiên ở Việt Nam cơ chế còn đặc thù quá. Ví dụ trường cử tôi đi học 3 năm, hết 3 năm không về thì trường kỷ luật. Trong khi đó, Giáo sư ở Hàn bảo khóa học phải mất 5 năm mới công nhận và cấp bằng Tiến sĩ. Nếu nhà trường có cơ chế linh hoạt được việc này thì sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho những người như chúng tôi”.

Anh Việt cũng trăn trở, đối với một người trẻ vừa lập gia đình như anh, ngoài việc cống hiến cũng còn một nỗi lo nữa là trụ cột cho gia đình nhỏ của mình. Nếu  đồng lương không đảm bảo cho cuộc sống thì cũng khó thể toàn tâm toàn ý cho nghiên cứu khoa học.

Nhưng mối lo lớn hơn cả vẫn là việc thực thi các chính sách dành cho nghiên cứu khoa học còn quá nhiều bất cập: “Chính sách đều tốt nhưng vấn đề ở chỗ thực thi. Để có được phòng thí nghiệm sẽ phải chờ rất lâu. Có phòng thí nghiệm rồi, muốn có hóa chất để làm thí nghiệm lại phải chờ thêm một thời gian dài nữa…Nói chung nếu một chính sách tốt, nhưng khâu thực hiện không tốt thì coi như phản tác dụng”- Anh Việt trăn trở.

GS Bùi Hồng Thủy cũng khẳng định, nghiên cứu Tiến sĩ chỉ là bước đầu tiên trong con đường nghiên cứu khoa học: “Ai cũng nghĩ Tiến sĩ là đủ, nhưng đó chỉ là lý thuyết. Tốt nhất học sau Tiến sĩ phải có vài năm nghiên cứu sâu. Đã là nhà khoa học phải có bài báo khoa học công bố quốc tế và bài báo phải được người khác trích dẫn lại. Nếu tốt nghiệp xong sau 5 năm mà về Việt Nam mà mới chỉ được 1-2 bài báo mà không tiếp tục thì sẽ không được coi là nhà khoa học”.

Trăn trở ngày trở về

Dù nôn nóng ngày được trở về, nhưng anh Nguyễn Đình Trường tâm sự, bản thân anh cũng đang chuẩn bị tinh thần cũng như lập các kế hoạch để đón nhận những điều kiện khó khăn nếu muốn tiếp tục nghiên cứu khoa học ở Việt Nam.

“Tôi làm việc ở Việt Nam là điều chắc chắn, nhưng tôi cũng khá lo lắng về những hạn chế khi mình về nước làm việc. Đó là khoảng thời gian từ khi đề xuất trên giấy đến thực tế thường rất lâu. Đến khi đề xuất được thực hiện thì lúc đó người nghiên cứu cũng thấy nản rồi. Có lẽ vì thế nhiều người không kiên nhẫn được đã phải chuyển hướng sang đi làm kinh tế. Ở Hàn Quốc người ta tính thời gian theo năm, 6 tháng phải có bài báo, chờ đến 4-5 năm mới có bài báo thì coi như không còn theo con đường khoa học”.

Tâm sự của các nghiên cứu sinh chia sẻ cho thấy, điều kiện, môi trường làm việc ở Việt Nam chính là điều mà du học sinh băn khoăn, trăn trở khi quyết định trở về nước cống hiến. Và rất nhiều người đã chọn con đường ở lại nước ngoài dù thâm tâm vẫn muốn được đóng góp cho quê nhà.

GS Trần Hải Linh: "Việt Nam cần có những chính sách để những nhà khoa học Việt về nước cống hiến"
Anh Trần Hải Linh, một Giáo sư trẻ người Việt tại trường Đại học Inha, Hàn Quốc, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc mong muốn: “Việt Nam cần có những chính sách để những nhà khoa học Việt về nước cống hiến. Chúng tôi mong muốn tạo mối quan hệ tương tác giữa các cơ quan nghiên cứu, viện nghiên cứu giữa 2 nước. Chính phủ Việt Nam tạo mối quan hệ giao thoa giữa các trí thức Việt Nam trong nước và Hàn Quốc, để tìm hiểu Việt Nam đang thiếu gì, đang cần gì, và tri thức Việt Nam ở Hàn Quốc có thể hỗ trợ được gì. Nếu đảm bảo được điều đó thì chắc chắn tiềm năng đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam sẽ lớn hơn rất nhiều”.

Trong cuộc giao lưu mới đây với giảng viên, sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội GS Ngô Bảo Châu, chủ nhân giải thưởng Fields cho rằng, muốn thúc đẩy nghiên cứu khoa học ở Việt Nam, thu hút trí thức Việt Nam trong ngoài nước về làm công tác nghiên cứu, Nhà nước và bản thân các trường Đại học phải có những chính sách ưu tiên.

Trên đường phố ở Seoul (Hàn Quốc)

Việc nghiên cứu trong các trường Đại học, làm thế nào để ưu tiên cho nghiên cứu khoa học là một trong những khó khăn lớn nhất trong cải cách giáo dục Đại học hiện nay.Và các trường đại học phải tạo ra các bức vách để cho những người làm khoa học được ưu tiên hơn, ưu đãi hơn những người khác, mà không bị ghen ghét đố kị, đó là cách để khoa học phát triển.

GS Ngô Bảo Châu cũng cho biết, Viện nghiên cứu cao cấp về toán ở Việt Nam mà GS là người sáng lập đang hoạt động theo một cơ chế cũng như sự ưu tiên đặc biệt để thu hút được các nhà khoa học Việt Nam tại nước ngoài về cống hiến: “Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán là mô hình như vậy. Ở đó các nhà khoa học không phải làm vĩnh viễn nhưng những người đến làm việc ở viện trong vòng 2 tháng, 3 tháng được hưởng một mức lương không kếch xù nhưng đủ để đảm bảo cuộc sống cho họ, tập trung hoàn toàn cho nghiên cứu khoa học. Ở Việt Nam thường mọi người rất bận, thời gian tập trung làm việc đó họ không làm bất cứ công việc gì khác, chỉ bận việc duy nhất là nghiên cứu khoa học”.

Có thể thấy nhiều yếu tố đã khiến cho quê hương không phải là bến đậu của rất nhiều trí thức Việt. Nhưng không vì thế mà họ không cống hiến sức mình được cho quê hương. Chỉ mong Việt Nam có những chính sách phù hợp thu hút nguồn chất xám quý giá này./.