Trong 5 năm, giáo sư KimYoung Soon, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Inha (Hàn Quốc) đã có 7 lần đến Việt Nam. Mỗi lần đến Việt Nam lại thêm một lần ông khám phá về những điều thú vị về văn hóa, phong tục tập quán của đất nước mà ông đã coi là quê hương thứ hai của mình.

Lần đến làng tranh Đông Hồ, Bắc Ninh cách đây 5 năm mà bây giờ mỗi khi nhớ lại, ông vẫn thấy xúc động vì tình cảm gần gũi của những người nông dân nơi đây. Lần ấy, ông đến thăm gia đình cô học trò người Việt Nam của mình: “Buổi tối, người dân trong làng đến rất đông như đón người thân đi xa trở về. Được sống trong không khí ấy, tôi cảm thấy như được trở về thăm quê nhà. Đến đây, tôi mới thấy làng quê ở Việt Nam và Hàn Quốc khá giống nhau, người dân cũng vậy, sống rất tình nghĩa”.

gs-han.jpg
Giáo sư Kim Young Soon, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Inha 

Giáo sư KimYoung Soon kể rằng, trong các lần đến Việt Nam, ông đã đi nhiều nơi, như: Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Hội An… để tìm hiểu về văn hóa, con người Việt Nam. Lần mới đây, nhất ông chọn Sa Pa (Lào Cai) là điểm dừng chân, bởi “Việt Nam trải qua nhiều thời kỳ lịch sử với nền văn hóa đa dạng, phong phú. Một trong những điểm thú vị là Việt Nam có rất nhiều dân tộc anh em trong khi Hàn Quốc là một quốc gia đơn dân tộc. Vì thế, rất nhiều người Hàn không hiểu được sự đa dạng văn hóa. Tôi muốn tìm hiểu về vấn đề vô cùng thú vị này để giới thiệu với người dân Hàn Quốc. Ở Sa Pa là một trong những nơi có nhiều dân tộc cùng chung sống, nên tôi đến đó để nghiên cứu, tìm hiểu”.

Sau những lần đến Việt Nam, giáo sư KimYoung Soon đã thu thập, tập hợp khá cơ bản thông tin về văn hóa Việt Nam và giới thiệu trong cuốn sách “Tìm hiểu văn hóa Việt Nam” sắp ra mắt độc giả Hàn Quốc. Ông mong muốn, với cuốn sách này, những người Hàn Quốc hiểu hơn về văn hóa, phong tục, tập quán của người Việt Nam. Điều này cũng giúp cho những người chồng Hàn lấy vợ Việt hiểu hơn về đất nước của người vợ.

Giáo sư KimYoung Soon cho biết, trước đây, ông nghiên cứu văn hóa Việt vì giữa Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều nét văn hóa tương đồng, đặc biệt là cùng chịu ảnh hưởng của giáo lý nho giáo và phật giáo. Kể từ khi Việt Nam- Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao và ngày càng có nhiều người chồng Hàn lấy vợ Việt, điều đó càng thôi thúc ông tìm hiểu sâu hơn về văn hóa Việt. “Những năm đầu khi mới thiết lập quan hệ Việt- Hàn, những người đàn ông Hàn Quốc lấy vợ Việt chủ yếu là những người già, người có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật và có nhiều vấn đề khác… Khi đó, nói về những cặp vợ chồng Hàn- Việt, nhiều người luôn có cái nhìn thiếu thiện cảm. Nhưng dần dần, có cả người trẻ, người có làm ở các công ty, kể cả người có địa vị ở Hàn Quốc cũng muốn kết hôn với người Việt Nam nên nhận thức xã hội cũng dần thay đổi. Trong những năm gần đây, có rất nhiều người Hàn lấy vợ Việt. Ở Hàn Quốc hiện có gần 50.000 cặp vợ chồng Hàn-Việt. Và giờ đây, Việt Nam và Hàn Quốc đã trở thành thông gia với nhau, những đứa con trong gia đình Hàn- Việt lớn lên sẽ trở thành cầu nối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước. Vì thế, tôi rất quan tâm đến cuộc sống của những cặp vợ chồng này. Tôi muốn giới thiệu nhiều hơn về văn hóa của Việt Nam để người chồng Hàn có thể hiểu được phong tục, tập quán về quê hương của vợ. Từ đó họ có những cảm thông, chia sẻ với nhau trong cuộc sống gia đình”.

Đường phố ở Seoul (Hàn Quốc)

Giáo sư KimYoung Soon cho biết, hiện nay trên đất Hàn có rất nhiều cặp vợ chồng Hàn-Việt sống phúc, nhiều người vợ Việt có những công việc, vị trí nhất định trong xã hội Hàn Quốc.

Giáo sư KimYoung Soon dẫn thống kê của một cơ quan về bình đẳng giới ở Hàn Quốc cho biết, có khoảng 70% số cô dâu Việt sống hạnh phúc với người chồng Hàn. Trong số 18 nước có cô dâu tại Hàn Quốc, thì tỷ lệ ly dị chồng ở cô dâu Việt Nam chiếm tỷ lệ thấp nhất. Theo giáo sư KimYoung Soon “cũng có thể do người văn hóa hai nước Việt- Hàn có nhiều nét tương đồng, cùng chịu ảnh hưởng của phật giáo và nho giáo. Cũng có thể do các cô dâu Việt chịu nhẫn nhịn và coi trọng cuộc sống gia đình hơn chẳng hạn”.

Giáo sư KimYoung Soon cho biết, hiện ở Hàn Quốc, nhiều trường Đại học đã có hẳn khoa Việt Nam học nghiên cứu về văn hóa Việt nên đã văn hóa Việt trở nên gần gũi hơn với người Hàn Quốc. Chính phủ Hàn Quốc cũng có nhiều chính sách hỗ trợ các gia đình đa văn hóa, trong đó có các gia đình Việt- Hàn. Hầu hết ở các quận, huyện của Hàn Quốc đều có các trung tâm hỗ trợ gia đình đã văn hóa, hỗ trợ phụ nữ trong các gia đình này về học ngôn ngữ, văn hóa Hàn Quốc và tìm kiếm việc làm, con em trong các gia đình này cũng được ưu tiên khi đi học…

Hiện nay, giáo sư KimYoung Soon được Chính phủ Hàn Quốc mời tư vấn về chính sách với các gia đình đa văn hóa. Giáo sư KimJoong Soon cho biết sẽ đề nghị với Bộ Giáo dục Hàn Quốc có những chương trình riêng dành cho con em gia đình đa văn hóa tìm hiểu về văn hóa nước mẹ đẻ của mình. Những chương trình này không chỉ tập trung cho các gia đình đa văn hóa mà giáo dục cả cộng đồng hiểu về hơn về văn hóa các nước có cô dâu trên đất Hàn.

Giáo sư KimYoung Soon cho rằng, những nét đặc sắc của văn hóa Việt luôn là điều hấp dẫn không chỉ đối với ông, mà còn nhiều nhà nghiên cứu khác ở Hàn Quốc. Ông sẽ tiếp tục nghiên cứu, giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc này không chỉ với người dân Hàn Quốc mà với cả những bạn bè quốc tế./.