Hàn Quốc hiện nay là một điểm đến hấp dẫn của du khách khắp nơi trên thế giới bởi ở nơi đây có nhiều điểm văn hóa du lịch đặc sắc, có tới 9 di sản Thế giới được Unesco công nhận, như: Cung điện Changdeokgung, Lăng Jongmyo, 40 lăng tẩm hoàn gia của triều đại Joseun, Pháo đài Suwon, các ngôi làng lịch sử Hahoe và Yangdong…. Và quan trọng hơn, Hàn Quốc có một chiến lược phát triển du lịch cụ thể, rõ ràng và luôn hướng tới mục tiêu phục vụ tốt nhất cho du khách.

ong-kim.jpg
Ông Kim Dong Il, Giám đốc phụ trách phát triển sản phẩm du lịch văn hóa Hàn Quốc
VOV online phỏng vấn ông Kim Dong Il, Giám đốc phụ trách phát triển sản phẩm du lịch văn hóa Hàn Quốc, Tổng Cục du lịch Hàn Quốc.

PV: Thưa ông, trong việc xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa, Tổng cục Du lịch Hàn Quốc cũng như Chính phủ Hàn Quốc thường chú trọng đến những yếu tố gì để phục vụ du khách?

Ông Kim Dong Il:Hiện nay, Hàn Quốc thu hút hút rất nhiều du khách nước ngoài từ châu Âu và khu vực Đông Nam Á, đặc biệt du khách từ các nước Trung Quốc, Nhật Bản và cả Việt Nam. Khi đến thủ đô Seuol, mọi người đều ấn về một thành phố phát triển hiện đại. Vì thế,  trong xây dựng sản phẩm văn hóa du lịch, chúng tôi luôn cố gắng thể hiện rõ sự hiện đại đó đối với du khách nước ngoài.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng rất chú trọng tới văn hóa truyền thống, đặc biệt là 9 di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận, trong đó có khu di tích lịch sử văn hóa cổng đền hay là khu cung điện.

Ngoài ra, người Hàn Quốc còn giới thiệu các phong tục tập quán rất đặc trưng đến với du khách nước ngoài. Những phong tục tập quán này được giới thiệu đến du khách bằng một cách rất tự nhiên và thực tế, chẳng hạn khi giới thiệu về Phật giáo, về những ngôi chùa cổ, chúng tôi mời du khách đến thăm ngôi chùa đó, được nghe giảng đạo và ngủ đêm ở chùa. Cùng với đó, du khách sẽ tham gia các công việc của nhà chùa như quét sân, đi thăm quan những nơi sinh ở, nơi ăn của sư sãi trong chùa, được xem những không gian tái hiện lại cuộc sống sinh hoạt của người Hàn Quốc xưa… Qua những hoạt động này, du khách nước ngoài, đặc biệt là các bạn trẻ cảm nhận được rõ nét truyền thống của Hàn Quốc.

Ở Hàn Quốc, mỗi vùng, miền đều có nét văn hóa riêng và thể hiện rõ nhất ở trong các lễ hội truyền thống. Vì thế, chúng tôi luôn có những gói du lịch đến với lễ hội truyền thống tùy theo từng vùng, từng mùa trong năm.

Cung Cảnh Phúc, một địa điểm du lịch nổi tiếng ở Hàn Quốc

Cách bảo tồn di sản tốt nhất chính là sử dụng thường xuyên

PV: Hiện nay ở Hàn Quốc xây dựng rất nhiều các khu du lịch để du khách có thể trải nghiệm, chẳng hạn như trải nghiệm trong các làng cổ, các ngôi chùa… Vậy trong quá trình xây dựng các khu du lịch đó có làm ảnh hưởng đến không gian của những khu di tích này?

Ông Kim Dong Il:Chúngtôi cho rằng, cách bảo tồn các di sản văn hóa tốt nhất chính là sử dụng nó thường xuyên. Ví dụ, một ngôi nhà cổ, cách bảo tồn tốt nhất không phải là cứ để nó như vậy, không động đến nó mà cách bảo tồn tốt nhất chính là để con người sống ở đó như trong một ngôi nhà bình thường. Hiểu nôm na là một ngôi nhà, nếu có người ở, có hoạt động của con người thì nó mới có sinh khí, mới ấm cúng. Còn nếu không có người ở, nó sẽ trở nên lạnh lẽo và rất khó để biết phải sửa sang chỗ nào trong ngôi nhà.

Nhưng tất nhiên, vì đây là những di sản văn hóa nên không thể để nó bị phá hủy, hư hại được. Cho nên, chúng tôi phải tìm hiểu thật kỹ và cẩn thận trong quá trình để cho du khách sinh sống ở đó. Đó mới là cách bảo tồn lâu dài nhất và tốt nhất.

PV: Như ông cho biết thì trong phát triển du lịch, Hàn Quốc quan tâm đến việc phát triển các điểm du lịch văn hóa mới, mang tính hiện đại. Vậy trong việc phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa mang tính truyền thống và các sản phẩm du lịch mang tính hiện đại, thì Hàn Quốc ưu tiên cho sản phẩm nào, thưa ông? 

Ông Kim Dong Il:Tôi cho rằng, không thể nói văn hóa hiện đại thì quan trọng hơn hay văn hóa truyền thống quan trọng hơn. Trong quá trình phát triển văn hóa du lịch, chúng tôi quan tâm cả văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại, đúng theo tầm quan trọng của từng sản phẩm. Chúng tôi cũng cho rằng, những sản phẩm về văn hóa du lịch cũng là sản phẩm đưa ra thị trường, phục vụ người tiêu dùng. Chính vì thế chúng tôi cũng phải xem xét đến nhu cầu của người tiêu dùng để tùy từng thời điểm mà đưa ra hướng phát triển và những sản phẩm văn hóa phù hợp.

PV: Ông có nói đến việc phát triển du lịch ở các làng cổ. Vậy các cơ quan chức năng của Hàn Quốc, Tổng cục du lịch Hàn Quốc có sự quan tâm như thế nào dung hòa lợi ích giữa người dân và Chính phủ?

Ông Kim Dong Il:Đối với những chương trình mà du khác trải nghiệm văn hóa ở các làng cổ thì không phải mọi ngôi nhà trong các làng cổ đó đều cho phép du khách vào thăm, chỉ có một số ngôi nhà mà chủ nhân của nó đồng ý. Khi đó chủ nhân ngôi nhà đã thỏa thuận với phía Chính phủ và họ có thể sẽ được nhận những lợi ích về mặt kinh tế từ phía Chính phủ, còn họ thì có nhiệm vụ đón khách nước ngoài đến ngôi nhà để làm sao du khách cảm thấy như ở trong chính ngôi nhà của mình.

PV: Trong việc phát triển du lịch cũng không thể thiếu được việc phát triển đội ngũ hướng dẫn viên du lịch. Vậy Tổng cục Du lịch Hàn Quốc đã quan tâm đến việc này như thế nào?

Ông Kim Dong Il:TrongTổng cục Du lịch có cả một Viện Giáo dục đào tạo hướng dẫn viên du lịch. Họ được đào tạo từ những kiến thức cơ bản nhất cho đến việc bao quát các vấn đề về du lịch, về văn hóa.

Đặc biệt, ở Hàn Quốc có rất nhiều quốc bảo, di sản văn hóa nên chúng tôi còn có cả những đội ngũ hướng dẫn viên chỉ chuyên về một lĩnh vực, một điểm văn hóa.  

PV: Xin cảm ơn ông./.