Vào những ngày cuối năm, mặc dù ở thủ đô Seoul có khi lạnh tới âm 20 độ nhưng cũng không làm giảm đi không khí đầm ấm, rộn ràng của cộng đồng người Việt nơi đây đang khẩn trương chuẩn bị đón Tết cổ truyền dân tộc. Ở Đại sứ quán Việt Nam cũng vậy, bà con lại tập hợp cùng nhau chuẩn bị những món ăn với đầy đủ hương vị ngày Tết.
Đại sứ Việt gói bánh chưng cùng bà con Việt kiều
Chúng tôi tới thủ đô Seoul (Hàn Quốc) đúng vào dịp bà con người Việt tập trung ở Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc gói bánh chưng để chuẩn bị cho Tết cộng đồng. Đại sứ quán ngày thường trang nghiêm là vậy, nhưng hôm ấy, chỉ còn không khí rộn ràng của mọi người trong đại gia đình Việt Nam chuẩn bị đón Tết. Mỗi người một việc, người rửa lá dong, người lau khô lá, người nấu đỗ, người ướp thịt… nhưng tất cả đều dồn hết tâm sức cho công việc mình làm.
Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Trần Trọng Toàn và phu nhân cũng tự tay gói bánh chưng cùng mọi người. |
Chúng tôi thực sự cảm động khi chứng kiến Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Trần Trọng Toàn và phu nhân cũng tự tay gói bánh chưng cùng mọi người. Thỉnh thoảng, để tạo thêm không khí vui nhộn, Đại sứ Trần Trọng Toàn lại dùng đạo cụ là xoong nồi, chậu, đũa… tự gõ nhạc, ngâm thơ, hát những bài chầu văn do chính ông sáng tác.
Những ngày như thế này đã thực sự trở thành ngày hội của tất cả nhân viên Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc. Nhiều gia đình đưa cả con nhỏ đến để chung vui.
Chị Phi Nga tâm sự, chị đưa con gái đến đây để cho con được sống trong không khí đầm ấm của những người Việt Nam xa quê hương. Ở đây, con gái chị có dịp tìm hiểu về các khâu chuẩn bị cho đến khi hoàn thành một chiếc bánh chưng như thế nào. Từ đó, con sẽ hiểu hơn về các món ăn truyền thống trong ngày Tết Việt Nam. Đây cũng là một cách hướng con gần gũi hơn với truyền thống dân tộc và luôn nhớ về quê cha đất tổ.
Để tạo thêm không khí vui nhộn, Đại sứ Trần Trọng Toàn lại dùng đạo cụ là xoong nồi, chậu, đũa… tự gõ nhạc, ngâm thơ, hát những bài chầu văn do chính ông sáng tác. |
Phu nhân của Đại sứ Trần Trọng Toàn cho biết, để gói được những chiếc bánh chưng trên đất Hàn, khâu chuẩn bị cũng khá công phu. Lá dong và lạt được đặt mua từ Việt Nam sang trước đó cả tháng. Nhiều người còn cầu kỳ chọn loại gạo nếp ngon của Việt Nam. Tất cả các nguyên vật liệu đem từ Việt Nam sang đều được mọi người nâng niu, tiết kiệm vì những thứ này ở Hàn Quốc rất khó kiếm.
Cùng tham gia gói bánh chưng, chị Phạm Thị Thủy tâm sự, khi còn ở Việt Nam, năm nào chị cũng cũng tự tay gói bánh chưng và cùng gia đình đón Tết. Không khí đó thật đầm ấm và trở nên quen thuộc với chị mỗi khi Tết đến Xuân về. Khi xa quê hương, dịp Tết với chị lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Vì thế, được đến Đại sứ quán cùng bà con người Việt chuẩn bị Tết là một việc vô cùng ý nghĩa, vì sau một năm lo toan cuộc sống bận rộn, chị lại được sống trong không khí đầm ấm của quê hương, được cảm thấy mình đang được đón Tết ở Việt Nam và vơi đi nỗi nhớ nhà.
Nhiều chị em cũng cho biết, dù ở xa quê hương, nhưng mọi người vẫn cố gắng sắm sửa đầy đủ các món ăn Việt Nam trong ngày Tết để luôn cảm thấy được ăn Tết ở quê nhà. Gói bánh chưng xong, mọi người sẽ gói giò, nấu chè kho và làm đầy đủ các món ăn Việt Nam. Vào đêm giao thừa, nhiều người cũng sắm sửa mâm lễ để dâng lên chùa Việt ở Hàn Quốc. “Khi còn ở Việt Nam, đôi khi công việc bận rộn, gần đến Tết chúng tôi mới mua bánh chưng gói sẵn về ăn Tết. Nhưng từ khi sang đây, chúng tôi cố gắng tự tay làm mọi thứ, từ bánh chưng, giò xào, nem rán… Có lẽ khi ở xa, được tự tay làm những món ăn truyền thống, chúng tôi mới cảm thấy đỡ nhớ quê hương”.
Sẽ đón Tết cổ truyền đậm đà hương vị quê nhà
Cùng nhau gói bánh, gói giò mọi người lại có dịp truyền cho nhau bí quyết để có một sản phẩm chất lượng. Đó là ngoài việc chọn loại gạo ngon, phải vo sạch, để ráo nước rồi trộn muối trắng theo tỷ lệ nhất định thì lá dong phải rửa thật sạch, lau khô và khi gói phải rải đều gạo, đỗ thịt theo thứ tự, rồi gói chặt tay. Trong lúc luộc bánh cũng phải để đều lửa và buộc bánh chưng thành từng cặp để vừa dễ vớt vừa không bị nát bánh…
Anh Nguyễn Mạnh Đông cho biết, ở Seoul, anh lại được hòa mình vào không khí đầm ấm khi cùng đại gia đình cộng đồng bà con người Việt. |
Sự tích về chiếc bánh chưng xanh cũng là câu chuyện được mọi người kể lại rôm rả trong lúc cùng nhau gói bánh. Phu nhân của Đại sứ Trần Trọng Toàn kể rằng, trong các dịp gặp gỡ với các bạn quốc tế, bà thường đem sự tích bánh chưng xanh cũng như câu chuyện về Tết Việt ra kể cho mọi người nghe và được họ vô cùng thích thú. Nhiều người bạn quốc tế còn ao ước chỉ được nếm thử một miếng bánh chưng xanh cũng thỏa lòng. Một vài người bạn Hàn thân thiết được bà gửi biếu bánh chưng vào dịp Tết đều tấm tắc khen hương vị của bánh và mong muốn được thưởng thức hương vị đặc biệt này ngay trên đất nước Việt Nam.
Anh Nguyễn Mạnh Đông cho biết, đây là năm đầu tiên anh đón Tết quê hương ở Hàn Quốc. Nhưng hòa chung không khí chuẩn bị Tết với mọi người ở đây, anh không còn cảm giác đang ở xa quê hương. Khi còn ở Việt Nam, anh đón Tết trong gia đình nhỏ của riêng mình, thì ở Seoul, anh lại được hòa mình vào không khí đầm ấm khi cùng đại gia đình cộng đồng bà con người Việt.
Anh Đông còn khoe rằng, anh được phân công phụ trách ươm cành đào để nó có thể ra hoa trong những ngày Tết. Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng ở xứ lạnh như ở Hàn Quốc, nhiệt độ luôn ở âm 10 độ C thì để đào ra hoa đúng hẹn lại không dễ. Cách Tết khoảng hơn nửa tháng, anh đã phải đem cành đào vào để đốt gốc và liên tục chiếu đèn đủ cho độ ấm và theo dõi từng ngày để mong nó có thể ra hoa đúng hẹn.
Còn đối với Đại sứ Trần Trọng Toàn, dù đã nhiều năm phải ăn Tết ở xa quê hương, nhưng đối với ông dịp Tết vô cùng thiêng liêng và ý nghĩa. Vì thế, ông cũng mong có được sự chuẩn bị chu đáo để cho ngày 22 âm lịch tới, bà con người Việt ở Hàn có một cái Tết đầy đủ, đầm ấm. Đây cũng là một ngày quan trọng đối với tất cả mọi người, vì sau một năm làm việc bận rộn, họ lại được cùng nhau chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống, được thưởng thức những món ăn ngày Tết và đón Tết quê hương. “Nhiều chị em còn đem cả chồng Hàn lên chung vui và họ rất thích vì được thưởng thức các món ăn cổ truyền của Việt Nam. Nhiều người chồng Hàn cảm phục vì người Việt Nam có tính cộng đồng cao đến vậy”.
Cành đào ở Đại sứ quán liên tục được chiếu đèn tạo độ ấm để ra hoa đúng dịp Tết |
Đại sứ Trần Trọng Toàn chia sẻ, từ khi thành lập Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc đến nay, năm nào Đại sứ quán cũng tổ chức đón Xuân cùng với kiều bào, trong đó có cả cô dâu Việt, người lao động, sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc. Tham gia đón Tết còn có cả đại diện hai dòng họ Lý mà ông tổ của họ từ Việt Nam sang Hàn Quốc đã gần 1.000 năm nay. “Trong những ngày Tết, chúng tôi thường đi thăm một số gia đình người Hàn, qua đó tạo sự gắn kết giữa chồng Việt vợ Hàn, cũng như gia đình Việt-Hàn. Chúng tôi cũng đi thăm những gia đình khó khăn để động viên họ, vì đa số bà con người Việt sang đây còn nhiều khó khăn, chủ yếu là các gia đình lao động nên sự thăm hỏi của Đại sứ quán, Hội người việt Nam tạo sự phấn khởi cho bà con. Qua đây chúng tôi cũng muốn để nhân dân Hàn Quốc, người chồng Hàn cũng thấy được sự quan tâm của Đại sứ quán đối với một bộ phận máu thịt của Việt Nam ở nước ngoài”.
Ngày Tết cộng đồng đang cận kề. Với sự chuẩn bị chu đáo của Đại sứ quán Việt Nam và cộng đồng người Việt nơi đây, chắc chắn bà con xa quê sẽ được đón một cái Tết cổ truyền đầm ấm, đậm đà hương vị quê nhà./.