Hiện nay tổng số người Việt tại Hàn Quốc có khoảng 123.000 người, trong đó có 68.000 lao động, 50.000 cô dâu Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc,  và gần 5.000 sinh viên, nghiên cứu sinh.

Theo Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Trần Trọng Toàn, đây là một cộng đồng khá trẻ, chính vì vậy chưa có những người có vị trí cao về chính trị, về kinh tế, về xã hội. Với đặc điểm là cộng đồng trẻ như vậy, hiện nay Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đang cố gắng giúp đỡ cho Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc có hoạt động hiệu quả hơn cho cộng đồng, đặc biệt là trong việc xây dựng cộng đồng đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong công việc cũng như hội nhập vào nước sở tại, đồng thời luôn luôn hướng về quê hương đất nước và tích cực tham gia vào việc thúc đẩy quan hệ  giữa Việt Nam-Hàn Quốc.

PV: Đại sứ có thể cho biết cụ thể hơn những hoạt động của Đại sứ quán giúp đỡ cộng đồng người Việt?

Đại sứ Trần Trọng Toàn: Trong những năm qua, Đại sứ quán có sự hỗ trợ rất tích cực đối với cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc. Từ năm 2007, với sự giúp đỡ của Đại sứ quán, đã thành lập được Hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc, đến ngày 22/12/2010 đã thành lập được Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc. Đại sứ quán đã hỗ trợ các hoạt động của Hội, trước hết là đối với Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc, Đại sứ quán đã hỗ trợ vận động tài trợ để mở Văn phòng của Hội. Với Hội sinh viên, Đại sứ quán cũng có rất nhiều hoạt động duy trì hoạt động của Hội tham gia vào những phong trào hướng về quê hương, đất nước. Do cộng đồng trẻ, chưa có được những doanh nghiệp lớn, cho nên những khâu như tài trợ kinh phí cho hoạt động của các Hội, Đại sứ quán đều phải vận động các doanh nghiệp, tổ chức của Hàn Quốc hỗ trợ.

dai-su-toan.jpg
Đại sứ Trần Trọng Toàn và phu nhân gói bánh chưng để đón Tết quê hương tại Seoul, Hàn Quốc

Như vậy, trong tất cả các hoạt động của cộng đồng đều có sự hiện diện của Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc. Chúng tôi tham gia cố vấn cho họ, nhiều khi cũng chung tay tổ chức với họ những hoạt động lớn, đặc biệt là lễ hội văn hóa cộng đồng, Đại hội sinh viên, Đại hội của người Việt Nam tại Hàn cũng như các lễ hội văn hóa, thể thao, du lịch hàng năm rất sôi nổi, tạo ra sự gắn kết giữa cộng đồng với Đại sứ quán.

PV: Một bộ phận chiếm tỷ lệ khá lớn trong cộng đồng người Việt là các cô dâu Việt lấy chồng Hàn. Ông có thể có biết sự hỗ trợ của Đại sứ quán như thế nào với cộng đồng cô dâu Việt?

Đại sứ Trần Trọng Toàn: Đúng như vậy. Đại sứ quán rất chú ý đến cộng đồng 50.000 gia đình Việt-Hàn, trong đó đặc biệt là cô dâu Việt lấy chồng Hàn Quốc. Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc cũng là một tổ chức để cho những cô dâu này cũng có được nơi sinh hoạt, chia sẻ kinh nghiệm, chia sẻ thông tin, giúp đỡ nhau trong cuộc sống và lao động học tập ở Hàn Quốc.

Đại sứ quán cũng có những tiếp cận sâu sát, chặt chẽ với cộng đồng với gia đình cô dâu để giúp đỡ họ khi họ gặp khó khăn. Những hoạt động của Ban liên lạc phụ nữ, khi chưa có Hội Phụ nữ chính thức cũng được chúng tôi hỗ trợ sâu sát. Bên cạnh việc tạo điều kiện cho họ có văn phòng hoạt động, chúng tôi còn tạo điều kiện để mở các lớp dạy tiếng Hàn, lớp dạy văn hóa Hàn Quốc, kể cả cách nuôi dạy con em cũng như hòa giải nếu có mâu thuẫn gia đình.

Đặc biệt là việc hướng nghiệp, Đại sứ quán hợp tác chặt chẽ với các trung tâm lao động người nước ngoài, các trung tâm hỗ trợ gia đình đa văn hóa để tạo điều kiện cho chị em có được chỗ sinh hoạt. Rất may mắn là phía Hàn Quốc cũng rất quan tâm đến việc này, đối với gia đình đa văn hóa họ cũng có những chính sách tốt, đặc biệt là hướng nghiệp. Những năm trước đây, phụ nữ muốn đào tạo hướng nghiệp để đi làm nghề như làm móng tay, may quần áo, sửa chữa điện tử, cắt tóc… phải nộp 40% học phí, nhưng từ năm ngoái thì phía Hàn Quốc đã miễn phần học phí này. Đối với trẻ em các gia đình đa văn hóa, khi các cháu đi học mẫu giáo cũng được miễn học phí.

Đại sứ quán cũng có hỗ trợ kinh phí cho chị em để tham gia các hoạt động cộng đồng như thăm hỏi các gia đình Hàn – Việt khó khăn, tổ chức các lễ hội văn hóa thể thao, du lịch, liên hoan để làm sao cho bà con có dịp gặp gỡ, chia sẻ thông tin về cuộc sống, việc làm và hội nhập vào xã hội Hàn Quốc, bởi hai nền văn hóa có nhiều nét giống nhau nhưng phong tục, tập quán, truyền thống gia đình có nhiều nét khác nhau. Qua những hoạt động như vậy, có tác dụng rất lớn cho việc có một gia đình hòa hợp.

Đại sứ quán Việt Nam khi tiếp xúc với chính quyền địa phương, với các Bộ, ngành của Hàn Quốc cũng đều nhấn mạnh đến việc quan tâm đến phụ nữ Việt Nam, những gia đình đa văn hóa Hàn-Việt. Trước hết là tạo điều kiện cho chị em Việt đi làm. Bởi nếu chúng ta tạo điều kiện cho chị em đi làm thì sẽ cải thiện được cuộc sống gia đình. Và quan trọng hơn nữa, khi tạo được việc làm cho chị em, là chúng ta đã tạo ra điều kiện cho phát triển kinh tế xã hội và bình đẳng giới.

Cùng với đó, trong khi làm việc với chính quyền, các ban, ngành Hàn Quốc, chúng tôi đều đề nghị họ quan tâm nhiều hơn nữa các trẻ em của gia đình đa văn hóa, vì trẻ em trong các gia đình này có phần thiệt thòi vì các em sống trong gia đình ngôn ngữ của bố mẹ có những bất đồng, các cháu đôi khi bị hạn chế cả về tiếng Hàn, cả về tiếng Việt, khi đến trường học thành tích của các cháu có những sút kém so với các bạn cùng trang lứa là người Hàn Quốc.

Chúng tôi cũng đề nghị Chính phủ Hàn Quốc, các doanh nghiệp, tổ chức xã hội hỗ trợ thêm cho các cháu để các cháu trưởng thành một cách bình thường, không bị bất kỳ một sự phân biệt đối xử nào. Bởi suy cho cùng, các cháu chính là công dân Hàn Quốc trong tương lai, nếu các cháu được chăm sóc tốt về mặt y tế, sức khỏe, giáo dục thì các cháu sẽ trở thành những công dân tốt của Hàn Quốc, đóng góp vào sự phát triển của Hàn Quốc, đồng thời sẽ làm cầu nối cho tình hữu nghị hợp tác giữa nhân dân hai nước Việt-Hàn.

PV: Khi còn công tác ở Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, ông đã rất trăn trở về việc dạy Tiếng Việt cho con em kiều bào. Vậy đối với con em người Việt ở Hàn Quốc, việc dạy tiếng Việt đã được Đại sứ quan tâm như thế nào?

Đại sứ Trần Trọng Toàn: Cho đến nay, việc dạy tiếng Việt cho con em kiều bào, trong đó có con em kiều bào ở Hàn Quốc vẫn là mối quan tâm lớn nhất của tôi. Bởi vì điều quan trọng nhất là khi muốn gắn bó kiều bào, kể cả thế hệ thứ 2, thứ 3, kể sau này thì một trong những mối liến hệ chính là thông qua ngôn ngữ. Thông qua ngôn ngữ thì mới có thể hiểu được phong tục tập quán, truyền thống của nước mẹ đẻ của mình. Do vậy ngoại ngữ bao giờ cũng là chìa khóa quan trọng nhất.

Học sinh chương trình Trường toàn cầu LG trong một lớp học tiếng Việt tại Trường đại học Ngoại ngữ Hankuk ở Seoul, Hàn Quốc (ảnh: DT)
Tại Hàn Quốc, trong những năm qua, cùng với việc thành lập Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc, chúng tôi cũng khuyến khích trong Hội tổ chức các lớp học tiếng Việt cho trẻ em. Hiện nay, lớp học này cũng đã được tổ chức ở 3-4 địa phương. Chúng tôi cũng khuyến khích sinh viên Việt Nam trong thời gian nghỉ hè tham gia vào những lớp dạy tiếng Việt để giúp cho các gia đình đa văn hóa hiểu tiếng Việt. Không chỉ dạy tiếng Việt cho trẻ em, mà người chồng Hàn muốn biết tiếng Việt, chúng tôi cũng rất khuyến khích bởi hai vợ chồng thì cần phải thông hiểu ngôn ngữ của nhau để tránh việc bất đồng ngôn ngữ mà ảnh hưởng đến hiểu biết của nhau, ảnh hưởng hạnh phúc gia đình.

Trong những năm qua, chúng tôi đã mở được một số lớp tiếng Việt và cũng được sự hưởng ứng của các gia đình đa văn hóa. Đặc biệt, các cháu tham gia lớp học tiếng Việt thì cảm thấy gần gũi hơn đối với quê hương đất nước.

Trong thời gian tới chúng tôi đã tiếp xúc với các doanh nghiệp Hàn Quốc, các tổ chức xã hội, các ban ngành ở đây để tài trợ cho các lớp học tiếng Việt. Điều đáng mừng là các gia đình Việt-Hàn ngày nay, không chỉ người mẹ, người vợ Việt chú ý mà cả người chồng Hàn Quốc, xã hội Hàn Quốc cũng chú ý đến việc học tập ngôn ngữ Việt Nam, qua đó vợ chồng hiểu nhau, hiểu được phong tục, tập quán và kể cả luật Hôn nhân gia đình của Việt Nam.

PV: Xin ông cho biết, ở những cộng đồng gia đình đa văn hóa người Việt, để mời gọi con em họ đến những lớp học như vậy gặp những khó khăn gì, mặc dù Chính phủ Hàn Quốc cũng có chủ trương về học tập ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam?

Đại sứ Trần Trọng Toàn: Hiện nay, cả người bố Hàn và mẹ Việt đều muốn cho con em mình học tiếng Việt, vì con cái của họ có cả hai dòng máu Việt –Hàn, việc biết ngôn ngữ Hàn và Việt đều quan trọng với các cháu. Nhưng có một khó khăn là các cháu đến trường để học văn hóa bằng tiếng Hàn, nhưng bây giờ lại phải mất thêm thời gian cho việc học tiếng Việt. Chúng tôi đang cố gắng để thu xếp vào các kỳ nghỉ hè của các cháu, anh chị em sinh viên Việt Nam đến tận nhà các cháu để dạy tiếng Việt.

Một khó khăn nữa là học tiếng Việt thì phải thực tập rất nhiều, nhưng nhiều khi mẹ Việt bố Hàn phải đi làm cả ngày, vì gia đình đa văn hóa chủ yếu là người lao động, thành ra đến tối về mới có điều kiện tiếp xúc được với con cái họ. Và trong buổi tối thì không phải lúc nào tiếng Việt cũng được sử dụng mà các cháu còn phải trao đổi với ông bà, bố người Hàn bằng cả tiếng Hàn.

Chúng tôi nghĩ về lâu dài, với cả sự cố gắng của bố Hàn, mẹ Việt, cũng như sự giúp đỡ của các sinh viên Việt Nam, đặc biệt là sự giúp đỡ của Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc, Ban liên lạc phụ nữ, và các Trung tâm hỗ trợ gia đình đa văn hóa, chúng ta có thể khuyến khích được việc học tiếng Việt trong gia đình đa văn hóa.

PV: Xin cảm ơn ông./.