Cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc là cộng đồng mới thành lập, chủ yếu là sau khi nước ta thiết lập quan hệ Việt Nam- Hàn Quốc vào ngày 22/12/1992. Cùng với sự phát triển mạnh trong quan hệ hai nước về mọi lĩnh vực, cộng đồng người Việt Nam cũng phát triển khá mạnh trong những năm qua. Đặc biệt, số lượng người Việt tại Hàn Quốc cũng tăng khá nhanh, hiện nay số người Việt tại đây là 123.000 người, trong đó có khoảng 68.000 lao động, 50.000 cô dâu Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc và gần 5.000 sinh viên, nghiên cứu sinh...
|
Ông Trần Hải Linh |
Năm 2007, với sự giúp đỡ của Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, Hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc được thành lập. Đến ngày 22/12/2010, Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc cũng chính thức được thành lập. Tuy mới, nhưng Hội đã có nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng người Việt, đặc biệt là các cô dâu Việt tại Hàn Quốc trong việc hòa nhập với cuộc sống ở nước sở tại. Phóng viên VOV online phỏng vấn ông Trần Hải Linh, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc về vấn đề này.
PV: Xin ông cho biết, kể từ khi được thành lập tới nay, Hội đã có những hỗ trợ như thế nào đối với cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc?
Ông Trần Hải Linh: Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc chính thức được thành lập vào ngày 22/10/2010. Điều này hết sức có ý nghĩa vì là ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam- Hàn Quốc. Từ đó đến nay, Hội luôn xây dựng các hoạt động hướng về cộng đồng, trong đó chúng tôi đặc biệt quan quan tâm đến việc hỗ trợ cho phụ nữ di trú kết hôn và hỗ trợ con em các gia đình đa văn hóa. Cùng với đó, Hội còn có các hoạt động hỗ trợ cộng đồng khác như thăm hỏi, hỗ trợ các thành viên bị ốm đau, khó khăn trong cuộc sống…
Hàng năm, chúng tôi thường tổ chức lễ hội văn hóa truyền thống, trước hết là để gắn kết cộng đồng người Việt Nam ở đây, và mục tiêu cuối cùng là quảng bá hình ảnh về đất nước Việt Nam với bạn bè quốc tế. Thông qua lễ hội này cũng nhắn nhủ với mọi người rằng, dù sống và làm việc ở Hàn Quốc hay ở đâu thì trong mỗi người vẫn có dòng máu Việt.
Hàng năm, Hội cũng tổ chức các lớp học tiếng Hàn và văn hóa Hàn cho phụ nữ di trú kết hôn. Hiện nay, chúng tôi đã tổ chức được ở 3 khu vực là Inchơn, Wanghu và Uchangbu. Cùng với đó là mở các lớp học và dạy tiếng Việt cho trẻ em các gia đình đa văn hóa. Từ năm 2008 đến nay, chúng tôi kết hợp với Ngân hàng Hana và Tổ chức bảo vệ trẻ em Hàn Quốc chính thức xây dựng chương trình ban đầu để mở ra các lớp dạy tiếng Việt cho trẻ em gia đình đa văn hóa.
Phải hiểu rằng, các gia đình đa văn hóa đã thiệt thòi về ngôn ngữ thì trẻ em trong các gia đình này còn thiệt thòi hơn rất nhiều. Theo kết quả điều tra của một tổ chức ở Hàn Quốc, khi phỏng vấn 2.000 trẻ em gia đình đa văn hóa thì 90% tự nhận mình mang 100% dòng máu Hàn Quốc. Các em tự nhận như vậy cũng bởi để tránh sự phân biệt đối xử với các trẻ em người Hàn Quốc. Vì thế, chúng tôi luôn canh cánh một điều, Hội phải tập trung hỗ trợ nhiều nhất cho các phụ nữ di trú kết hôn và các trẻ em của gia đình đa văn hóa.
Hỗ trợ người lao động Việt Nam ở Hàn Quốc cũng là một nhiệm vụ được Hội quan tâm. Tháng 5/2012, chúng tôi cũng chính thức thành lập một văn phòng của Hội và có đường dây nóng. Văn phòng này không chỉ chỉ hỗ trợ cho các cô dâu mà còn hỗ trợ cho cả những anh em lao động khi họ còn chưa thông thạo về tiếng, chưa hiểu biết về luật và có những khó khăn trong cuộc sống.
Trong thời gian tới, Hội tiếp tục tập trung vào những nhiệm vụ trên để hỗ trợ nhiều hơn cho cộng đồng người Việt Nam ở Hàn Quốc.
PV: Ở trong nước, có nhiều luông thông tin khác nhau về phụ nữ Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc, thậm chí có những thông tin trái chiều. Là Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc, ông có nhận xét gì về vấn đề này?
Ông Trần Hải Linh: Đa số cô dâu Việt Nam trước khi sang đây đã nghĩ rằng ở Hàn Quốc toàn màu hồng. Họ sang Hàn Quốc có nhiều lý do, có người chỉ đơn giản là được đi máy bay, có người thì muốn có cuộc sống tốt hơn… Nhưng thực tế khi sang đây, hoàn toàn không đơn giản như họ nghĩ. Việc hòa nhập với cuộc sống ở đây rất khó vì khả năng về ngôn ngữ, về phong tục tập quán vì mỗi nước có một nền văn hóa khác nhau.
Một đôi vợ chồng Việt-Hàn |
Tôi muốn chuyển tải một thông tin rằng, cuộc sống ở Hàn Quốc không phải toàn màu hồng, mà có cả mặt trái, mặt phải. Nhưng cũng rất mừng là theo một thống kê của cơ quan về bình đẳng giới ở Hàn Quốc thì tỷ lệ sống hạnh phúc của phụ nữ Việt với chồng Hàn đạt 70%. Tất nhiên, 30% còn lại cũng là con số đáng suy nghĩ. Hiện tại, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc và Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc cũng đang tìm cách phối hợp với phía bạn làm sao để tăng tỷ lệ sống hạnh phúc của các đôi vợ chồng Hàn-Việt.
PV:Khi chúng tôi sang đây tìm hiểu và được biết, ở Hàn Quốc cũng có rất nhiều các hoạt động hỗ trợ các gia đình đa văn hóa. Ông có cho rằng, Hội người Việt Nam ở Hàn Quốc nên phối hợp với phía bạn để nâng cao hiệu quả hỗ trợ các gia đình đa văn hóa nói chung, gia đình có cô dâu Việt nói riêng?
Ông Trần Hải Linh: Thực tế ở Hàn Quốc đang phát triển rất mạnh các chương trình hỗ trợ gia đình đa văn hóa. Hầu hết ở các quận, huyện của Hàn Quốc đều có các Trung tâm hỗ trợ các gia đình đa văn hóa. Phía bạn cũng đang gặp khó khăn là hầu hết các cô dâu ngoại quốc, chẳng hạn như cô dâu Việt đều không trao đổi được bằng tiếng Hàn, trong khi những người tư vấn lại là người Hàn Quốc. Như vậy khi trao đổi sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí gây sốc đối với những phụ nữ di trú kết hôn.
Chúng tôi mong muốn là nắm bắt được thông tin những cô dâu Việt có khả năng để giới thiệu làm việc ở các trung tâm đó. Mặt khác, trong hoạt động của Hội, có nhiều chương trình chúng tôi hợp tác với các cơ quan của Hàn Quốc vì họ có tiềm lực về tài chính, nhưng chúng ta có nguồn lực về con người. Chúng tôi hy vọng sẽ hợp tác tốt với các cơ quan Hàn Quốc để thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ cộng đồng ngày càng hiệu quả.
PV:Thưa ông, trí thức Việt Nam tại Hàn Quốc cũng chiếm một tỷ lệ tương đối trong cộng đồng người Việt Nam tại đây. Hội có nghĩ tới việc kết nối trí thức trong và ngoài nước để tận dụng lực lượng trí thức Việt Nam ở Hàn Quốc có những đóng góp xây dựng đất nước?
Ông Trần Hải Linh:Hiện tại, Chính phủ hai nước cũng đã có chương trình hợp tác như xây dựng một Viện Hợp tác khoa học (Vikiss) ở Việt Nam. Còn đối với cộng đồng làm khoa học ở Hàn Quốc, chúng tôi vẫn ý thức rằng, dù không ở trong nước, chúng tôi vẫn hướng về đất nước. Chúng tôi được học tập, đào tạo trong một môi trường phát triển về khoa học công nghệ nên các trí thức trẻ chúng tôi cũng mong muốn sẽ hỗ trợ ở trong nước lĩnh vực mà mình đã được đào tạo. Hàn Quốc là một nước phát triển rất mạnh về khoa học công nghệ, họ là một trong số ít nước thực hiện xong sự nghiệp công nghiệp hóa chỉ trong vòng 30 năm nên đây là lĩnh vực nên học hỏi ở họ. Chúng tôi mong muốn sẽ đào tào thêm các thế hệ kế cận, đồng thời tạo ra các mối quan hệ tương tác giữa Viện nghiên cứu hai nước.
Chúng tôi cũng hy vọng Chính phủ tạo điều kiện cho sự giao thoa giữa trí thức trong nước với trí thức Việt Nam ở Hàn Quốc để chúng tôi có thể biết được Việt Nam đang thiếu gì, cần gì và chúng tôi có thể hỗ trợ được gì. Nếu chúng ta làm rõ được các vấn đề đó thì chắc chắn hợp tác giữa trí thức trong và ngoài nước cũng như sự đóng góp của chúng tôi với đất nước sẽ có hiệu quả.
Còn đối với bản thân tôi luôn mong muốn sẽ cống hiến toàn bộ sức lực của mình cho đất nước dù làm việc ở trong hay ngoài nước.
PV: Xin cảm ơn ông./.