Ông Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài TNVN trả lời phỏng vấn của Báo Tiếng nói Việt Nam nhân Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XII-2016.

Thưa ông, thế giới truyền thông đang có nhiều thay đổi, phát thanh có còn là sự lựa chọn của công chúng?

** Đúng là truyền thông thế giới đã và đang thay đổi đến chóng mặt. Đó là việc chuyển dần sang phương thức truyền thông dựa trên đa nền tảng; tiếp theo truyền thông hội tụ sẽ là sự giao thoa giữa các loại hình báo chí với sự hỗ trợ của công nghệ số. Sự lên ngôi của mạng xã hội tiếp tục tạo ra thế cạnh tranh khốc liệt với các loại hình báo chí được coi là “chính thống”. Cùng với sóng FM, phát thanh đã và đang chuyển sang phát sóng kỹ thuật số mặt đất và phát trên nền tảng internet băng thông rộng đến với phần lớn dân số trên thế giới; truyền hình số cũng là một tất yếu...

ong_nguyen_the_ky_xohc.jpg
Ông Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài TNVN

Phát thanh có thế mạnh riêng và công chúng riêng. Thế mạnh của phát thanh không chỉ ở tin tức nhanh, trực tiếp, đa dạng và phong phú, mà bằng lời nói, âm nhạc và tiếng động, phát thanh đưa người nghe tới gần hơn sự kiện, nhân vật, như được hòa mình, được cảm nhận đầy đủ sự kiện, nhân vật đó.  Và đặc biệt, chỉ phát thanh mới có thể giúp người nghe hình dung về sự kiện, nhân vật như là của riêng họ, chỉ của riêng họ mà thôi.

So với các loại hình truyền thông mới thì phát thanh có những thế mạnh không thua kém, đó là có thể đưa thông tin tức thì; công chúng có thể cùng làm tin; cùng bình luận về một vấn đề nào đó; công chúng có thể trực tiếp tương tác với người làm chương trình và tương tác với nhau; công chúng có thể tiếp cận thông tin khi đang di chuyển… Hơn các loại hình báo chí khác, dù đang làm bất cứ việc gì, bất cứ ở đâu (không cần phải nhìn như truyền hình, hay dùng tay để lật trang như trang báo in hay báo điện tử) công chúng cũng có thể nghe được phát thanh.

Ngày nay, công chúng tiếp cận thông tin ở đâu thì phát thanh có mặt ở đó… Ngoài chiếc radio truyền thống, phát thanh đã có mặt trên internet, mobile phone, và đặc biệt là phát thanh số có thể cho người ta có nhiều kênh sóng để lựa chọn… Ở Việt Nam, phát thanh đã và đang là loại hình báo chí rất quan trọng. Khi xuất hiện mạng xã hội và các phương tiện thông tin khác trên internet, với thông tin đa dạng, đa chiều, thật có, giả có, thật giả lẫn lộn, thì sóng phát thanh của Đài TNVN và đài phát thanh các địa phương luôn là lựa chọn của công chúng vì độ tin cậy và trung thực của thông tin. Ở các nước phát triển, phát thanh vẫn có chỗ đứng rất vững chắc.

Nhưng ở Việt Nam, có lẽ người nghe phát thanh đang bị giảm đi?

** Chưa có một nghiên cứu chính thức nào khẳng định số người nghe phát thanh ở Việt Nam giảm đi, nhưng bằng cảm nhận, chúng ta thấy phát thanh đang phải chia sẻ công chúng cho các loại hình báo chí khác. Đó cũng là chuyện bình thường, bởi bất cứ loại hình báo chí nào hiện nay cũng phải chia sẻ công chúng của mình cho các loại hình khác. Ngày nay, cách thức nghe đài, chọn chương trình  của công chúng cũng khác trước rất nhiều. Số người nghe đài bằng radio truyền thống trong các gia đình không tăng, nhưng lại gia tăng số người nghe đài trên ô tô, trên mobile và các trang web.

Bên cạnh đó, nhu cầu tiếp nhận thông tin trên đài cũng khác trước rất nhiều. Ví dụ những người đi trên ô tô, vì trong trạng thái di chuyển, nên họ cần cái gì đó ngắn gọn, trực tiếp, cần những quan điểm chính thống, cần những ý kiến đa chiều… Người ta không còn nghe đài cả ngày nữa, mà lúc nào tiện thì nghe, lên ô tô thì nghe… Ở vùng nông thôn, miền núi, người ta còn nghe Đài TNVN, đài địa phương qua loa truyền thanh. Tôi còn nhớ mãi câu nói cách đây hơn 30 năm của bác Trần Lâm: “Cái loa có vị trí quan trọng của nó, rất khó thay thế”. Bây giờ, câu nói đó vẫn đúng.

Thính giả trẻ luôn tiếp cận thông tin trên radio bằng các thiết bị  hiện đại (ảnh: Quang Trung)

Công nghệ phát triển mạnh mẽ tác động đến công chúng, theo ông đó là thách thức hay cơ hội cho phát thanh?

** Điều đó vừa là thách thức, vừa là cơ hội. Nhưng có lẽ thách thức nhiều hơn, bởi như trên tôi đã nói, công nghệ phát triển khiến công chúng có nhiều sự lựa chọn. Một người dân là dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa cũng có thể tiếp cận thông tin qua điện thoại di động, qua internet... Thông tin lại rất nhanh và đa dạng. Đó là chưa nói đến truyền hình - công nghệ ngày càng hiện đại, người làm truyền hình lại “chiều” người xem hết cỡ...

Trong khi đó, nghe phát thanh thì lại chỉ có một cách duy nhất qua con đường thính giác nên để công chúng lựa chọn phát thanh, người nhà đài chúng ta phải cố gắng rất nhiều… Còn cơ hội thì cũng không ít, tôi chỉ lấy ví dụ internet càng phát triển thì người  nghe càng có nhiều cơ hội nghe đài hơn. Khái niệm “đài phát thanh không ăng ten” là để nói về cơ hội đưa phát thanh đến với công chúng qua internet. Và như vậy, khả năng đưa phát thanh đến với công chúng ở các vùng sâu, vùng xa hay thính giả nước ngoài sẽ dễ dàng, tiện lợi hơn rất nhiều. Nếu biết tận dụng thế mạnh của mạng xã hội, thì phát thanh sẽ có nhiều cơ hội hơn để tương tác với công chúng; sử dụng nguồn tin từ cộng đồng mạng… 

Vậy, để có công chúng, phát thanh phải làm gì?

** Bất cứ loại hình báo chí nào muốn đến với công chúng thì phải chú ý tới 2 điều: Nội dung là cốt lõi và hình thức là quan trọng. Khái niệm nội dung ngày nay cũng không đơn thuần là nhanh và đúng, mà còn là độc đáo và tạo được cảm xúc và sức hấp dẫn cho người nghe. Có nghĩa là người làm phát thanh phải luôn luôn mang tới cho công chúng những thông tin mới lạ, độc đáo chỉ có trên đài phát thanh hoặc rất hấp dẫn trên đài phát thanh. Phải tìm được góc tiếp cận mới trong những vấn đề đang được nhiều báo chí đề cập; phát thanh phải tạo điều kiện để công chúng nói lên tiếng nói của họ trên sóng… Để chạm tới trái tim thính giả, người làm phát thanh phải có được những câu chuyện, những chi tiết, những nhân vật điển hình, trong cuộc sống đời thường; phải kể sao để người nghe không những hiểu, mà còn được cảm, được vui, được buồn, được động viên, được chia sẻ… Muốn vậy, phát thanh phải luôn hiểu công chúng cần gì? Và mình phải đáp ứng như thế nào?.  Về hình thức, phát thanh không chỉ đơn thuần là lời nói, mà còn phải làm sinh động hơn bằng âm nhạc, bằng tiếng động hiện trường… Chỉ khi nào nghe phát thanh mà như được sống, được thở trong cuộc sống thực thì lúc đó phát thanh mới có được sự chú ý, sự ủng hộ, sự đón đợi của công chúng.

Thưa ông, là một đài quốc gia với đủ 4 loại hình báo chí, vậy trong thời gian tới, Đài TNVN sẽ phát triển theo hướng nào?

** Đài TNVN sẽ hòa mình vào các xu hướng của truyền thông thế giới để phát triển. Trước hết, phải đánh giá đúng vai trò của từng loại hình báo chí để sắp xếp và củng cố lại các khối phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử để tạo ra sự thống nhất, cộng hưởng và tương hỗ nhau. Tích hợp nội dung và truyền phát online sẽ là xu thế chủ đạo trong thời gian tới.

Việc đổi mới công nghệ, thiết bị PT-TH cũng được quan tâm với việc chuyển dần sang phát sóng truyền hình kỹ thuật số theo tiêu chuẩn quốc gia mới đã được Chính phủ duyệt. Nghiên cứu và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chuẩn phát sóng kỹ thuật số đối với phát thanh. Sẽ thành lập chuỗi giá trị phát thanh - truyền hình kỹ thuật số bao gồm các đơn vị sản xuất nội dung, đơn vị tích hợp thông tin, đơn vị cung cấp hạ tấng kỹ thuật, đơn vị cung cấp, phân phối dịch vụ và đơn vị sản xuất thiết bị.

Chúng tôi xác định nội dung là quan trọng vì vậy sẽ tập trung đổi mới toàn diện nội dung đối với các khối biên tập: hướng đến tiêu chí “lấy thính giả, khán giả, độc giả” làm trung tâm. Sản xuất và phát sóng những gì công chúng cần chứ không sản xuất và phát sóng những gì Đài có. Luôn luôn coi nội dung hấp dẫn là những tài sản đắt giá, quí hiếm và làm nên thương hiệu Đài TNVN. VOV cũng sẽ phát huy lợi thế của mạng xã hội để quảng bá và làm tăng giá trị của các sản phẩm phát thanh, truyền hình báo in và báo điện tử.

Chúng tôi cũng sẽ thành lập đội ngũ lập kế hoạch chiến lược để hoạch định sự phát triển của Đài TNVN trong thời gian tới để phát huy hiệu quả, cũng như tiếp tục khẳng định vị thế của Đài TNVN đối với công chúng và xã hội.

Xin cảm ơn ông./.