Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm (sinh năm 1939). Trong thời gian công tác ở Đài TNVN, bà đã từng đảm nhiệm chức vụ: Trưởng phòng quan hệ quốc tế (1983), Trưởng phòng các chương trình dạy tiếng nước ngoài (1992). Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đã đóng góp vào thành công cho chương trình phát thanh tiếng Nga từ những buổi đầu.

 “Thời chiến tranh, chúng tôi làm việc hăng hái lắm, thấy máy bay địch không hề sợ hãi, nao núng, chúng tôi đến ngay cơ quan để làm tin”. PTV, biên dịch viên Nguyễn Thị Quyết Tâm nhớ về kỷ niệm đẹp trong những tháng ngày làm việc tại Đài TNVN.

Những kỷ niệm khó quên

Hơn 30 năm công tác ở Đài TNVN, bà Tâm có không ít những kỷ niệm vui buồn. Tâm sự về những ngày tháng công tác trong chiến tranh, bà Tâm bồi hồi xúc động. Bà vẫn nhớ như in cảnh vừa làm vừa sơ tán xuống vùng Thạch Thất do máy bay địch rải bom. Rồi những ngày đi viết bài ở những nơi hiểm nguy như tuyến lửa Vĩnh Linh (Quảng Trị), cuộc sống thiếu thốn, bà cùng đồng nghiệp phải trải qua những ngày đói ăn. Công việc của những người làm báo thời chiến thật gian khó, ngày ngày phải đối mặt với hiểm nguy nhưng bà cùng anh em đồng nghiệp không hề sợ.

ba_tamvov3_yxrn.jpg
Phát thanh viên Nguyễn Thị Quyết Tâm

 “Nghề phát thanh thời ấy rất vất vả, không được máy móc hiện đại hỗ trợ như bây giờ. Ngày nào, tôi cũng làm 2 chương trình, mỗi chương trình 30 phút, phát vào buổi chiều và tối. Những ngày có sự kiện đối ngoại, ví dụ như khi Tổng thống Fidel Castro (Cu Ba) sang thăm Việt Nam, tôi phải biên dịch và đọc trực tiếp trên sóng phát thanh, chỉ 5 phút thôi nhưng run lắm”, bà Tâm chia sẻ.

Trong nhiều năm công tác tại Đài TNVN, không ít năm bà Tâm cùng đồng nghiệp đón Tết ở Đài. Cái Tết của những người nhà Đài trong thời khắc chuyển giao giữa năm mới và năm cũ giản dị, ấm áp mà nghĩa tình. Anh em trong cơ quan có gì mang nấy, người thì cái bánh trưng, chai rượu, người thì ít hoa quả góp lại thành cái Tết. Chỉ thế thôi, nhưng bà và đồng nghiệp ai cũng thấy hạnh phúc.

Cuộc sống lúc nghỉ hưu thảnh thơi, thỉnh thoảng bà Tâm lại kể cho con cháu nghe về thời trẻ hăng say và đầy nhiệt huyết. Nhớ lại năm 1954, khi mới 15 tuổi, bà gia nhập trường thiếu sinh quân ở chiến khu Việt Bắc. Với ý thức trách nhiệm của người trẻ thời kháng chiến cứu quốc, bà đã không ngừng nỗ lực học tập. Đến năm 1955, bà Tâm được cử sang Trung Quốc học tiếng Nga cùng với 50 thanh niên ưu tú của đất nước. Thành tích học tập đáng nể, phát âm chuẩn, bà Tâm được Đài Moscow nhận làm biên dịch. Ở nơi đất khách quê người, bà không ngừng học tập và trau dồi kiến thức. Sau 5 năm trở về nước, bà Tâm được nhận vào Đài TNVN. Bắt đầu chuỗi ngày công tác vất vả, làm việc quên giờ giấc nhưng đó là khoảng thời gian ý nghĩa trong cuộc đời bà. Năm 1972, được cử sang Nga, bà Tâm xin mang theo cậu con trai đầu lòng. Cuộc sống của hai mẹ con nơi đất khách quê người tuy có nhiều khó khăn nhưng niềm đam mê với nghề đã giúp bà vượt qua tất cả.

Không nguôi nỗi nhớ đài  

Nghề nghiệp đã giúp bà Tâm có cơ hội được gặp gỡ và làm việc với những người nổi tiếng, như Valentina Vladimirovna Tereshkova -  nữ du hành vũ trụ đầu tiên trên thế giới và Gherman Titov, anh hùng du hành vũ trụ Liên Xô. Nhưng người để lại cho bà nhiều cảm xúc nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bà được gặp Bác trong một lần được cử đi phiên dịch cho đoàn tham quan của Liên Xô đến Việt Nam. Qua lần gặp gỡ đó, ấn tượng về Bác trong bà là “Một con người có sự hiểu biết sâu rộng và cách nói chuyện đặc biệt”.

Rời xa nơi đã từng gắn bó gần nửa cuộc đời, những ngày đầu về hưu, bà Tâm không khỏi trống vắng khi hằng ngày không còn đối mặt với những bộn bề công việc. “Nhiều khi nhớ Đài, nhớ công việc phát thanh đến phát khóc”, bà xúc động.

Về hưu, niềm vui của bà là trở thành thính giả trung thành dõi theo các chương trình phát thanh của Đài. Bà mong Đài sẽ phát triển hơn, thế hệ làm báo trẻ sẽ gắn bó với nghề hơn. “Sống ở đâu, làm việc gì cũng phải hết lòng, có nhiều sáng kiến thì mới thu hút được thính giả”, bà Tâm chia sẻ./.