Ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh thanh tra kiêm Phó trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội cho biết, từ năm 2006 đến 2015, Bộ này chưa phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, vì vậy không có thiệt hại do tham nhũng gây ra và không có tài sản tham nhũng được thu hồi. Không có trường hợp người đứng đầu nào phải xem xét, xử lý trách nhiệm vì để xảy ra tham nhũng.

Cũng theo ông Tùng, thời gian này đơn vị này đã tổ chức 42 cuộc thanh tra hành chính đối với đơn vị và 3 cuộc kiểm tra trách nhiệm đối với thủ trưởng.

Các hạn chế, thiếu sót của các đơn vị trong công tác PCTN, theo ông Tùng, chủ yếu là: Chưa xây dựng và ban hành kế hoạch PCTN hàng năm, chưa báo cáo việc nhận quà và nộp lại quà tặng, chưa thực hiện chuyển đổi vị trí công chức, viên chức, chưa công khai bản kê khai tài sản, thu nhập theo qui định.

Về tặng, nhận quà và trả lại quà tặng, tổng hợp báo cáo các đơn vị từ năm 2006 đến 2015, ông Tùng cho biết: “Chưa xảy ra tình trạng sử dụng tài sản công, tặng quà, nhận quà sai quy định. 100% cán bộ thuộc đối tượng phải kê khai tài sản đã tiến hành kê khai và công khai. Chưa có cá nhân nào thuộc thẩm quyền Bộ phải giải trình về việc kê khai tài sản, thu nhập”.

Trong quá trình thực hiện, theo Chánh thanh tra Bộ LĐ, việc kê khai nhận quà và nộp lại quà tặng là một giải pháp khó thực hiện, phụ thuộc vào ý thức và sự tự giác của các cá nhân, chưa có biện pháp kiểm soát. Do vậy, cần sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh các quy định về nhận và nộp quà tặng.

Theo Bộ Lao động, việc phát hiện dấu hiệu tham nhũng qua kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức vẫn còn khó khăn, cần luật hóa đầy đủ và có biện pháp kiểm soát thu nhập của cán bộ, công chức để họ không thể che giấu, tẩu tán tàn sản do tham nhũng mà có. Trong việc kê khai tài sản, một số quy định còn mù mờ, ví dụ kê khai giá trị nhà ở, cây cảnh, đối tượng sở hữu tài sản… cần có những quy định rõ ràng hơn. Cùng với đó, việc xác minh tính trung thực của các bản kê khai còn khó khăn, cần có những qui định cụ thể, thiết thực hơn…/.